Tổng quan
Xét theo cơ cấu nhóm hàng: So với tháng 01/2013, trừ nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,03%; chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 02/2013 tăng ở 10/11 nhóm hàng cấp I tham gia tính chỉ số giá, trong đó nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất (tăng 2,28%, trong đó: lương thực tăng 0,37%, thực phẩm tăng 3,0%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,85%) và chiếm gần 70% mức tăng của chỉ số giá tháng 02/2013. Tiếp theo là các nhóm Đồ uống và thuốc lá (tăng 1,50%); nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 1,08%); nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 1,07%). Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng từ 0,03-0,81%
Xét theo khu vực và địa phương: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 khu vực thành thị (tăng 1,24%) tăng thấp hơn khu vực nông thôn (tăng 1,39%)
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2013 tăng 2,59% so với tháng 12/2012 và tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm 2013 tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 02/2013 giảm 0,33%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng 01/2013. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng giảm 2,05 %, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,05%.
Yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả thị trường tháng 2/2013
Thị trường hàng hoá, dịch vụ trong tháng 2/2013 diễn ra khá sôi động, nhất là những ngày giáp Tết. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tại một số thời điểm tăng cao gây sức ép tăng giá nhất là giá các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết như : Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Đồ uống và thuốc lá, May mặc, mũ nón, giầy dép, Dịch vụ giao thông công cộng và một số hàng hoá dịch vụ khác.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo sát sao và tích cực triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2012; Nghị quyết số quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2012 của Chính phù về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Đây là yếu tố quan trọng kiềm chế mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013.
Trên thị trường, cung về hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Giá cả thị trường trong cả nước cơ bản ổn định, một số mặt hàng tuy có tăng vào những ngày 28, 29 và mùng 3,4 Âm Lịch theo quy luật Tết hàng năm, nhưng không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá, mặt bằng giá các hàng hoá phục vụ Tết Quý Tỵ nhìn chung không tăng cao hơn so với Tết năm trước.
Sức mua trên thị trường có tăng nhưng không tăng cao, chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết; người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, các hàng hoá thực phẩm, hoa cây cảnh dịp Tết, giảm chi các khoản vui chơi giải trí, mua sắm thiết bị gia đình làm giảm áp lực tăng giá. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 2/2013 giảm 1,03% so với tháng 1/2013 (trong đó nhóm thương nghiệp và du lịch giảm lần lượt là 1,41% và 1,44%; nhóm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ tăng nhẹ lần lượt là 0,39% và 0,36%).
Dự báo trong tháng 3/2013 có một số yếu tố tác động gây sức sép tăng giá đó là: Giá một số hàng hoá trên thị trường thế giới (xăng dầu thành phẩm, thép phế, bột giấy...) dự báo có xu hướng tăng trong nước, tháng Ba là thời điểm của Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình khả năng sẽ tiếp tục tăng; tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm; một số mặt hàng cần được xem xét tiếp tục điều hành theo lộ trình như giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, than cho sản xuất điện, điện; giá xăng dầu cần được điều hành theo diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới và quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu…
Tuy nhiên, trong tháng 3/2012 có một số yếu tố kiềm chế tăng giá đó là: cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết không cao; giá nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải đã cơ bản bình ổn trở lại so với thời điểm trước Tết; chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan...
(Nguồn Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính)