Tổng quan
Xét theo cơ cấu nhóm hàng: So với tháng 3/2013, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 4/2013 giảm ở 3/11 nhóm hàng cấp I; trong đó nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn có mức giảm 0,91% (lương thực giảm 0,86%, thực phẩm giảm 1,24%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12%) và đóng góp chủ yếu vào mức giảm của chỉ số giá tháng 4/2013; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44%; Bưu chính viễn thông giảm 0,15%. 8/11 nhóm còn lại có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất là 3,62%, tiếp đến là nhóm Giao thông tăng 1,20%; các nhóm còn lại tăng từ 0,05-0,45% so với tháng 3/2013.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2013 tăng 2,41% so với tháng 12/2012, thấp hơn mức tăng cùng kỳ nhiều năm trước (trừ năm 2009), trong đó tăng cao ở các nhóm: Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 12,01%); May mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 3,48%), Hàng hoá và dịch vụ khác (tăng 2,32%), Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,16%).
So với tháng 4/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2013 tăng 6,61%. Chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2013 giảm 2,56%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,01% so với tháng 3/2013. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng giảm 7,17 %, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,37%.
Các yếu tố tác động
Tháng 5/2013, mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố:
Giá nhiều hàng hoá trên thị trường thế giới giảm (LPG, chất dẻo nguyên liệu, sợi các loại, xăng dầu, phôi thép, đường, phân bón…) góp phần giảm áp lực tăng giá hàng hoá trong nước.
Sức mua trên thị trường trong tháng 4 có tăng nhưng không tăng cao, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất… vẫn tương đối chậm
Giá thực phẩm và lương thực giảm, tác động làm nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm, là nguyên nhân chính kiềm giữ chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2013 chỉ tăng nhẹ.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, làm giảm sức ép tăng giá thời gian qua
Tuy nhiên, tháng 4/2013 có một số yếu tố gây sức ép tăng giá như:vGiá một số hàng hoá trên thị trường thế giới tăng (bột giấy, bột cá, sữa,…) gây áp lực tăng giá lên hàng hoá trong nước.
Một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập trong tháng 4/2013, tác động đến chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và đến chỉ số giá chung.
Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng cuối tháng 3/2013, tác động đến nhóm nhiên liệu và dịch vụ giao thông công cộng tăng, từ đó tác động đến chỉ số giá nhóm Giao thông tăng làm chỉ số giá chung tăng. Tuy nhiên do sức mua yếu nên ít gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung; mặt khác, áp lực tăng cũng dịu bớt do giá bán xăng, dầu điêdel trong tháng 4 đã được điều chỉnh giảm 03 đợt kể từ ngày 9/4/2013 đến nay.
Nhu cầu tiêu dùng mang tính thời điểm tăng, làm sức mua tăng nhẹ, tập trung ở ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4/2013 ước tăng 0,9% so với tháng 3/2013, trong đó ngành du lịch và khách sạn, nhà hàng có mức tăng cao hơn các ngành khác.
Dự báo
Do thời tiết chuyển mùa hè, nhu cầu tiêu dùng một số hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ dùng gia đình… của người dân có khả năng tăng.
Tuy nhiên, trong tháng 5/2013 có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá: giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ; trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua dự báo chưa được cải thiện nhiều; tác động của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong tháng 4, giá một số loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm (lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, LPG…); các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan...
Dự báo mặt bằng giá thị trường tháng 5/2013 ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng 4/2013.
(Nguồn Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính)