Tình hình kinh tế thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội trong nước. Trong bản Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2013 cập nhật, WB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2013 (thấp hơn dự báo 2,4% đưa ra tháng 1/2013 và thấp hơn mức 2,3% năm 2012); các nước đang phát triển tăng trưởng 5,1% (thấp hơn mức 5,5% đưa ra tháng 1); các nước khu vực eurozone tăng trưởng - 0,6% (thấp hơn mức -0,1% đưa ra tháng 1).
WB cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2013, cao hơn mức 5,2% năm 2012. Cán cân tài khoản vãng lai trên GDP của Việt Nam năm 2013 được dự báo thặng dư và đạt 5,6%, thấp hơn so với mức 5,9% năm 2012 và có xu hướng giảm dần trong năm 2014 và 2015 (3,3% và 1,0%).
Còn theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 ở mức 3,1% (thấp hơn so với dự báo tháng 4/2013 là 3,3%). Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 3,8% (dự báo tháng 4/2013 là 4%).
Các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng khoảng 5%, các nước phát triển 1,2%. Tăng trưởng kinh tế Mỹ 1,7% (dự báo tháng 4 là 1,9%), kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,8% (dự báo tháng 4 là 8%); kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) tăng trưởng -0,6% (dự báo tháng 4 là -0,3%); Nhật Bản dự báo tăng trưởng GDP 2% (dự báo trước đó là 1,6%). IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2013 là 5,2% (thấp hơn dự báo trước đó là 5,8%).
|
Giá cả hàng hóa dự báo tăng nhẹ trong tháng 7. Ảnh: T.H |
Trong nước, nửa đầu năm 2013 kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường ổn định. Lãi suất tiếp tục giảm, dư nợ tín dụng được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng cao. Các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức: lãi suất tuy giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp, tăng trưởng tín dụng còn ở mức thấp so với mục tiêu cả năm, tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao; thu ngân sách và vốn đầu tư phát triển đạt thấp so với kế hoạch.
Sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, tổng cầu của nền kinh tế vẫn thấp. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản khó khăn, xuất khẩu lúa gạo đang chịu áp lực cạnh tranh về giá và thị trường. Việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn...
Dự báo tháng 7 và những tháng cuối năm 2013, mặt bằng giá thị trường có thể chịu tác động của các yếu tố:
Giá hàng hoá trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng đối với nhóm nhiên liệu nhất là khi một số nước bắt đầu bước vào mùa lạnh. Trong khi, tỷ giá ngoại tệ có xu hướng tăng gây sức ép lên giá hàng hoá nhập khẩu
Một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước [9]; giá dịch vụ giáo dục (học phí) [10]. Giá xăng dầu tiếp tục được điều hành theo diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới và quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa được khống chế hoàn toàn, thời tiết khí hậu bước vào mùa mưa bão có thể tác động đến nguồn cung thực phẩm có thể gây tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Nhu cầu mang tính mùa vụ (dịp lễ, Tết,cuối năm...) có thể tác động gây tăng giá hàng hoá.
Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm 2013, có nhiều yếu tố thuận lợi giúp tăng trưởng tổng cầu và sức mua như: quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát; Các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế tiếp tục được thực hiện...
Riêng trong tháng 7/2012, diễn ra kỳ thi đại học và cao đẳng trong cả nước với tổng số khoảng 1,71 triệu hồ sơ đăng ký dự thi, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Nhu cầu đi lại, ở trọ, sinh hoạt ăn uống tăng trong kỳ thi góp phần gây sức ép tăng giá tiêu dùng tại các địa phương này.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2013, lương cơ sở được tăng thêm 100.000 đồng/tháng (tăng 9,5%); giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 2 đợt trong tháng 6; giá LPG tăng từ 1/7; nhu cầu sử dụng điện vào mùa hè tăng cao nên chi phí thiết bị điện và chi phí sử dụng điện lũy kế tăng...
Ngoài ra, tình hình thời tiết, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có thể tác động đến nguồn cung và giá thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, giá một số hàng hóa thiết yếu khác như lương thực, đường, xi măng, thép, phân bón,… dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ cùng với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá thị trường sẽ là yếu tố quan trọng để bình ổn giá trong tháng 7/2013.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 có thể tăng nhẹ.