Nửa đầu tháng 7/2013 ghi nhận chỉ số USD INDEX ít biến động, tiếp tục đứng ở mức cao (trung bình: 83,74 điểm, cao nhất: 84,96; thấp nhất: 82,60). Cụ thể: 83,19 điểm (1/7), 84,42 điểm (8/7), 83,11 điểm (12/7) và 83,17 (16/7).
Tại Mỹ, báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ cho thấy, chỉ số PMI tháng 6/2013 đạt 51,9 điểm (tháng 5/2013: 52,3 điểm) - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 đến nay, mặc dù vẫn trên mức tăng trưởng tiềm năng (50,0 điểm).
Tại châu Âu, theo báo cáo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone tăng từ 47,7 điểm (tháng 5) lên 48,7 điểm (tháng 6) là mức cao nhất kể từ tháng 3/2013 và là tháng tăng thứ ba liên tiếp.
Tuy tốc độ suy giảm kinh tế ở nhiều nước chủ chốt trong khu vực như Tây Ban Nha, Italia, Pháp... đã chậm lại, nhưng tỷ lệ lạm phát thấp (1,6%) cho thấy kinh tế dù cải thiện vẫn chưa đủ kích cầu và Eurozone vẫn còn chặng đường dài phía trước để phục hồi.
Những thông tin trên tác động làm cặp đôi EURO/USD thay đổi theo hướng EURO tăng giá nhẹ so với USD: 1 Euro đổi được 1,3068 USD (ngày 1/7); 1,2812 USD (ngày 7/7); 1,3087 USD (ngày 12/7) và 1,3073 USD (ngày 16/7).
Ở trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 21.036 đồng/USD trong suốt nửa đầu tháng 7. Tỷ giá niêm yết mua vào bán ra của ngân hàng thương mại là 21.160-21.220 đồng/USD, sau đó đến giữa tháng (15/7) tăng tương ứng ở chiều mua vào/bán ra lần lượt là 35-20 đồng lên mức 21.195-21.220 đồng/USD.
Cùng với đó, trên thị trường tự do, giá Đôla Mỹ giao dịch phổ biến ở các mức 21.500-21.510 đồng/USD (mua vào) và 21.550-21.560 đồng/USD (bán ra).
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 7/2013 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 20.845 đồng, tăng 17 đồng (+0,08%) so với tháng 6/2013./.