Tháng 7/2013 ghi nhận chỉ số USD INDEX tăng nhẹ trong 10 ngày đầu tháng, giảm liên tục trong 20 ngày tiếp theo. Chỉ số trung bình: 82,97, cao nhất: 84,96; thấp nhất: 81,46.
Tại Mỹ, báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ cho thấy, chỉ số PMI tháng 7/2013 đạt 53,2 điểm (tháng 6/2013: 51,9 điểm). Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ở mức độ vừa phải với hoạt động sản xuất mở rộng ở hầu hết các khu vực, thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,40%. Đó là những dấu hiệu tích cực của gói kích thích/nới lỏng kinh tế định lượng lần 3 (EQ 3) áp dụng từ tháng 9/2012.
Tại châu Âu, báo cáo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/8/2013 cho thấy, kinh tế Khu vực đồng euro (eurozone) có dấu hiệu phục hồi rõ rệt từ khi suy thoái: chỉ số PMI lĩnh vực chế biến khu vực Eurozone tháng 7/2013 đạt 53,3 điểm-mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay (tháng 6/2013: 48,8 điểm; dự báo: 50,1 điểm).
Đáng chú ý là PMI nhiều nước tăng so với tháng 6 và vượt hoặc xấp xỉ 50 điểm (ngưỡng tăng trưởng) như: Aixơlen: 51,2 điểm, Đức: 50,7 điểm, Italia: 50,4 điểm, Hà Lan: 50,8 điểm, Pháp: 49,7 điểm, Tây Ban Nha: 49,8 điểm, Áo: 49,1 điểm... Báo cáo cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh đã tăng trở lại.
Mặc dù khủng hoảng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng thị trường lao động vẫn là điểm yếu với tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Eurozone (tháng 6/2013) vẫn ở mức cao kỷ lục 12,1%; trong đó khó khăn nhất là Hy Lạp và Tây Ban Nha với tỷ lệ thất nghiệp (tháng 6/2013) lần lượt là 26,9% và 25,3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ dưới 25 tuổi ở mức rất cao 58,7% (Hy Lạp) và 56,1% (Tây Ban Nha).
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brucxen (Bỉ) vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí chi 8,0 tỷ Euro (10,40 tỷ USD) để triển khai các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động. Giới phân tích cho rằng tuy khủng hoảng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao cho thấy kinh tế chưa cải thiện vững chắc và Eurozone vẫn còn chặng đường dài phía trước để phục hồi.
Những thông tin trên tác động làm cặp đôi EURO/USD thay đổi theo hướng EURO tăng giá nhẹ so với USD: 1 Euro đổi được thấp nhất: 1,2755 USD (ngày 9/7); cao nhất 1,3345 USD (ngày 31/7); trung bình: 1,3095 USD.
Thị trường trong nước trong tháng 7/2013, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.036 đồng/USD, ổn định so với thời điểm cuối tháng 6/2013.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau khi áp dụng mức tỷ giá mới ngày 28/6, thị trường ngoại tệ và tỷ giá khá ổn định. Đầu tháng tại ngân hàng thương mại, tỷ giá được niêm yết 21.160-21.220 đồng/USD. Tuy nhiên, bước sang tuần đầu và trung tuần của tháng 7/2013, tỷ giá tại ngân hàng thương mại có xu hướng tăng cao, hầu hết các ngân hàng đều đẩy giá bán USD lên mức kịch trần (21.230-21.246 đồng/USD).
Trên thị trường tự do, giá bán USD có lúc đã chạm mức gần 22.000 đồng/USD. Lý giải về hiện tượng này, lãnh đạo NHNN cho biết đây chỉ là yếu tố tâm lý, chứ không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ, và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ.
Để ngăn ngừa hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Sau những động thái can thiệp mạnh từ phía NHNN, đến trung tuần tháng 7, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đã bớt căng thẳng. Đến cuối tháng, tỷ giá USD giảm đáng kể, tại NHTM, tỷ giá niêm yết ở mức mua vào/bán ra là 21.130-21.190 đồng/USD giảm lần lượt ở chiều mua vào/bán ra 100-56 đồng/USD so với thời điểm tỷ giá tăng cao tại trung tuần tháng 7/2013.
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 8/2013 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.036 đồng, tăng 191 đồng (+0,92%) so với tháng 7/2013./.