Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng 7/2013. So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 3,53%. Mức tăng này tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (2,86%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ hai năm trước (2010 tăng 5,08% và 2011 tăng 15,68.
So với tháng 8/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 7,50%. Chỉ số giá tiêu dùng tám tháng đầu năm 2013 tăng 6,90% so với cùng kỳ năm 2012.
Những yếu tố tác động lên mặt bằng giá thị trường tháng 8/2013
- Trong tháng 8/2013 có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá như:
+ Từ 1/8/2013 giá dịch vụ y tế của TP. Hà Nội được điều chỉnh (tăng 105,36%, tác động làm chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế của Hà Nội tăng 63,94%), góp phần khiến chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước (là nhóm đóng góp lớn nhất vào mức tăng chỉ số giá chung của tháng 8/2013).
+ Một số địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) trong năm học 2013-2014 tại các bậc mầm non, mẫu giáo, cao đẳng, dạy nghề; bên cạnh đó, do bắt đầu năm học mới, nhu cầu mua văn phòng phẩm và đồ dùng học tập tăng cũng đã tác động làm chỉ số giá nhóm Giáo dục tháng 8/2013 tăng cao nhất kể từ đầu năm 2013 (tăng 0,9%).
+ Mưa bão diễn ra từ các tỉnh Nam Trung Bộ trở ra đã ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều loại rau, củ, quả; cùng với nhu cầu thực phẩm phục vụ dịp Rằm tháng 7 và Trung thu tăng nên tác động làm giá thực phẩm tăng; ngoài ra, giá lương thực tăng nhẹ trở lại sau 5 tháng giảm liên tiếp là những yếu tố tác động làm tăng giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống và chỉ số giá chung.
+ Tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 17/7/2013 và 2 đợt điều chỉnh trong tháng 6/2013; cùng với việc điều chỉnh giá gas đã tác động làm tăng chỉ số giá một số nhóm hàng (Nhà ở và vật liệu xây dựng, Giao thông). Giá điện được điều chỉnh tăng 5% từ ngày 1/8/2013 cộng với nhu cầu tiêu dùng điện sinh hoạt trong mùa hè tăng làm tăng chỉ số giá nhóm điện và dịch vụ điện.
Một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá tháng 8/2013:
+ Giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới như phôi thép, phân bón, ngô, đậu tương... giảm làm giảm áp lực lên giá trong nước đối với các mặt hàng này.
+ Trong nước, cung cầu hàng hóa tiếp tục được bảo đảm, giá một số hàng hóa quan trọng, thiết yếu giảm hoặc ổn định như phân bón, xăng dầuthép xây dựng, xi măng, đường...; chương trình bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu, chương trình bình ổn thị trường sách giáo khoa, dụng cụ học tập được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương; lãi suất tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, tỷ giá USD/VNĐ tương đối ổn định...; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, làm giảm sức ép tăng giá trong thời gian qua.
Dự báo giá tháng 9
Dự báo tháng 9/2013, giá LPG thế giới tăng; giá xăng dầu dự báo có thể tăng do tình hình chính trị phức tạp tại Syria và Trung đông. Trong nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí) được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương trong đó có TP. Hồ Chí Minh; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/8/2013; giá một số hàng hóa quan trọng, thiết yếu dự báo có xu hướng tăng như thực phẩm, LPG, xi măng, thép...; bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, ăn uống, đi lại trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9, Tết Trung thu; mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý, bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá trong nước, tổ chức tốt các Chương trình khuyến mại giảm giá (TP.HCM...), Chương trình bình ổn thị trường (tại TP. Hà Nội và TP. HCM...; không tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 9/2013 (thời điểm đầu năm học mới) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7202/VPCP-KTTH ngày 28/8/2013 về việc điều hành giá dịch vụ y tế… góp phần bình ổn mặt bằng giá trong tháng 9/2013./.