- Thị trường thế giới:
+ Tháng 9: giá vàng (giao ngay, tại thị trường New-york) giảm liên tục, sau khi đạt mức 1.416,30 USD/ounce (3/9), đã giảm xuống các mức 1.388.70 USD/ounce (8/9), 1.327,10 USD/ounce (12/9), 1.324,40 USD/ounce (16/9), 1.367,04 USD/ounce (20/9), 1.314,41 USD/ounce (24/9), 1.313,30 USD/ounce (30/9).
Giá vàng giảm liên tục do các giải pháp ngoại giao đạt được theo đó Chính phủ Syria đồng ý chuyển giao kho vũ khí hóa học đặt dưới quyền kiểm soát quốc tế và Quốc hội Mỹ hoãn khả năng Mỹ tấn công quân sự Syria đã khiến vai trò vàng với tư cách là tài sản bảo đảm an toàn trước những tác động tiêu cực của chiến tranh trở nên mờ nhạt, khiến giá vàng giảm liên tục.
Chiến tranh tại Syria không xảy ra cùng với nguồn cung tăng (từ Lybia, Nigiêria) khiến giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất kể từ 3 tháng trở lại đây. Giá dầu thô giảm tác động làm giá vàng giảm. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc và Ấn Độ (bước vào lễ hội gió mùa-Diwali) không lớn như mọi năm do Chính phủ Ấn Độ đã nâng thuế nhập khẩu vàng từ 6% lên 8% nhằm giảm thâm hụt ngân sách và ngăn chặn đà mất giá của đồng Rupia.
+ Chín tháng đầu năm: xu hướng chung là giá vàng giảm liên tục, với diễn biến giá 9 tháng đầu năm chia thành ba giai đoạn: từ đầu năm đến giữa tháng 6/2013, giá vàng giảm liên tục, đạt mức thấp nhất: 1.180,35 USD/ounce (17/6); từ cuối tháng 6/2013 đến cuối tháng 8/2013 giá vàng tăng nhẹ; từ đầu tháng 9 đến 30/9 giá giảm trở lại.
Các yếu tố chính làm giá vàng giảm liên tục và giảm sâu 6 tháng đầu năm bao gồm: đàm phán về “vách đá tài khóa” ở Mỹ, Lưỡng viện Mỹ thông qua chính sách về thuế và chi tiêu ngân sách 2013, lùi thời hạn quyết định mức trần nợ công đến tháng 4/2013.
Nhu cầu vàng vật chất yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ (tăng thuế nhập khẩu vàng từ 4% lên 6%), khủng hoảng chính phủ tại Ý, khủng hoảng tài chính tại Sip khiến quốc đảo này trở thành nước thứ 5 trong Eurozone phải nhận cứu trợ, sau các nước Ai-len, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha (tháng 3/2013).
Ngân hàng trung ương Síp bán ra 10,36 tấn vàng (trị giá 400 triệu Euro) trong nỗ lực giải cứu hệ thống ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng gây hiệu ứng xấu, châm ngòi cho các quỹ đầu cơ (ETF-Exchange Traded Fund) đẩy mạnh bán ra trước áp lực thoái vốn và cắt lỗ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi, khả năng gói kích thích kinh tế QE3 sẽ không kéo dài hết năm 2013, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh khiến nhà đầu tư chuyên sang đầu tư chứng khoán.
Các yếu tố chính làm giá vàng tăng nhẹ trong tháng 7, tháng 8/2013 gồm bất ổn tại Syria đã khiến vàng phát huy vai trò tài sản bảo đảm an toàn trước những tác động của chiến tranh; nhu cầu vàng vật chất tại các quốc gia châu Á tăng mạnh (lễ hội Ramzan tại các tiểu vương quốc Ả Rập; quý III đến Tết Âm lịch tại Trung Quốc, Việt Nam, Inđôneesia)…
- Thị trường trong nước:
* Tháng 9/2013: Trong tháng 9/2013, giá vàng trong nước dao động quanh mức 37,5 triệu đồng/lượng. Theo đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có xu hướng giảm theo. Hiện tại, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.
Tình hình cung cầu trên thị trường vàng miếng nhìn chung không có sự xáo trộn dù Ngân hàng Nhà nước chỉ tổ chức hai phiên đấu thầu vàng từ đầu tháng 9/2013. Theo các nhà kinh doanh vàng, hoạt động giao dịch bán lẻ vàng trên thị trường kém sôi động. Tuy nhiên, phân khúc bán buôn lại diễn ra theo xu hướng ngược lại khi các nhà đầu tư giao dịch số lượng lớn có động thái bán ra trong những ngày trước và trong phiên đấu thầu vàng miếng.
Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động ở mức 3,830-3,829 triệu đồng/chỉ (đầu tháng), đến cuối tháng, giá vàng giảm và dao động phổ biến ở mức 3,760-3,758 triệu đồng/chỉ, với mức giảm lần lượt là 70.000-71.000 đồng/chỉ.
* 9 tháng đầu năm 2013: Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng kém sôi động cả về giá và lượng giao dịch. Dù giá thế giới có biến động lớn nhưng trong nước các doanh nghiệp vẫn giữ giá vàng cao khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.
Thêm vào đó, việc các Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên bán đấu thầu vàng miếng (từ 28/3/2013) đã góp phần cân bằng lại tài khoản vàng tại các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho việc dừng các hoạt động cho vay bằng vàng trong thời gian qua. Điều nay giúp thị trường vàng phần nào ổn định và minh bạch hơn.
Nhìn chung chỉ số giá vàng trong nước giảm trong 7 tháng đầu năm 2013 và tăng ở tháng 8 và tháng 9. Chỉ số giá vàng các tháng (so cùng kỳ tháng trước) như sau: tháng 1 giảm 1,73%, tháng 2 giảm 0,33%, tháng 3 giảm 2,73%, tháng 4 giảm 2,56%, tháng 5 giảm 4,62%, tháng 6 giảm 4,11%, tháng 7 giảm 6,28%, tháng 8 tăng 0,32%, tháng 9 tăng 1,97%. Chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng đầu năm 2013 giảm 7,11% so với cùng kỳ năm 2012./.