Nhiều yếu tố “kìm” tốc độ tăng giá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11/2013 tăng 0,34% so với tháng 10/2013. Tốc độ tăng chỉ số giá tháng 11/2013 thấp hơn mức tăng tháng 10/2013 (tăng 0,49%); đồng thời, so với mức tăng cùng kỳ tháng 11 của 5 năm gần đây thì chỉ số giá tháng 11/2013 có mức tăng thấp nhất
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2013 tăng 5,50% so với tháng 12/2012, so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ các năm kể từ năm 2004 đến nay, đây vẫn là mức tăng thấp nhất, trừ năm 2009.
So với tháng 11/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2013 tăng 5,78%. Chỉ số giá tiêu dùng mười một tháng đầu năm 2013 tăng 6,65% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2013 giảm 1,04%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,1% so với tháng 10/2013. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng giảm 21,76%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,04%.
Trong tháng, mặt bằng giá chịu tác động bởi các yếu tố gây sức ép tăng giá như, giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới tăng, gây áp lực lên giá hàng hoá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu.
Trong nước, mưa, bão và triều cường tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, ảnh hưởng đến nguồn cung cùng với nhu cầu dự trữ hàng hóa cuối năm tăng, đẩy giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, tác động làm nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 11/2013 tăng cao nhất (tăng 0,62%). Với quyền số chiếm tỷ trọng chủ yếu trong rổ hàng hoá tham gia tính chỉ số giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đóng góp cao nhất vào mức tăng chỉ số giá chung (chiếm khoảng 72,8% chỉ số giá chung), tuy nhiên tốc độ tăng đã giảm so với tháng trước (tháng 10 tăng 0,86%).
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, như: Giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới như xăng dầu, đường, ngô... giảm, làm giảm áp lực lên giá trong nước đối với các mặt hàng này.
Trong nước, cung hàng hóa tiếp tục bảo đảm, giá một số hàng hóa quan trọng, thiết yếu giảm hoặc ổn định (xăng, thép xây dựng, điện, đường, xi măng, thức ăn chăn nuôi...), sức mua chưa được cải thiện; lãi suất và tỷ giá tương đối ổn định; chương trình bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, làm giảm sức ép tăng giá trong thời gian qua.
Tháng cuối năm, dự báo giá tăng nhẹ
Trong tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, ngoài các nguyên nhân tác động do sức mua có khả năng thanh toán trong dịp cuối năm tăng..., mặt bằng giá thị trường chịu tác động tăng bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hoá khác phục vụ Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán 2014 tăng; mặt khác, yếu tố mùa vụ (thời tiết lạnh tại khu vực phía bắc cùng với dịp Lễ tết sắp đến) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm, nhiên liệu, may mặc, mũ nón, giầy dép, giao thông công cộng... tăng có thể tác động gây tăng giá.
Tuy nhiên, với dự báo diễn biến giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới chỉ biến động nhẹ; giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định (giá điện, than bán cho sản xuất điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, thực phẩm, đường, xi măng, thép...).
Cùng với đó, việc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014, công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được tăng cường; nguồn cung hàng hoá nói chung, hàng hóa thiết yếu nói riêng tiếp tục được bảo đảm; các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm; thêm vào đó, sức mua còn yếu, tác động tăng giá do tâm lý được hạn chế là những yếu tố góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 tăng nhẹ so với tháng 11/2013./.