Thị trường thế giới:
Trong tháng 6/2014 ghi nhận chỉ số USD INDEX ít thay đổi, dao động trong biên độ hẹp, từ 80,36 điểm đến 81,00 điểm.
Theo báo cáo của FED, kinh tế Mỹ tháng 6 tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường lao động được cải thiện (tỷ lệ thất nghiệp tháng 5/2014 là 6,3%, không thay đổi so với con số tháng 4);
Tại khu vực Eurozone, tháng 5/2014 tỷ lệ thất nghiệp 11,8%; lạm phát 0,5% (tháng 4/2014: 0,7%). Điều đó cho thấy kinh tế khu vực này vẫn đang cố gắng để phục hồi. Trước tình hình đó, đầu tháng 6/2014, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0,15%, đồng thời, lãi suất cho vay qua đêm cũng giảm 35 điểm cơ bản xuống còn 0,4%. Đặc biệt, tỷ lệ lãi suất huy động đối với tiền gửi của các ngân hàng tại ECB từ 0% giảm xuống mức âm -0,1% lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi khu vực đồng tiền chung châu Âu ra đời; nhằm đối phó với lạm phát thấp và tăng trưởng tín dụng chậm chạp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
6 tháng đầu năm 2014: tại Mỹ tuy sản xuất và kinh doanh các bang Đông bắc và miền Trung gặp bão tuyết trong quý I nhưng đã được bù đắp bởi tăng trưởng ở các bang không bị ảnh hưởng, kinh tế tiếp tục đà phục hồi ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp nhất 5 năm lại đây (tháng 12/2013: 7,0%; tháng 1/2014: 6,7%; tháng 2: 6,6%; tháng 3: 6,7%, tháng 4: 6,3% tháng 5: 6,3%; tháng 6: 6,1%). Các chỉ số PMI tổng hợp, chế tạo, dịch vụ trong 6 tháng từ 52,0-54,0 điểm, trên ngưỡng tiềm năng. Ngày 28/6 FED tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu kho bạc (gói kích thích EQ 3) thêm 10 tỷ USD/tháng (từ 45 tỷ USD/tháng xuống 35 tỷ USD/tháng). FED dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2014 từ 2,1%-2,3%; lạm phát 2,0%.
Tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Theo Markit, tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone quý I/2014 đạt 0.5% (quý I/2013: 0.3%); tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 và tháng 2/2014: 11,8%, tháng 3/2014: 11,7%, tháng 4, tháng 5 và 6/2014: 11,6%; kinh tế khu vực tiếp tục thiểu phát (CPI tháng 1 và 2/1014: 0,7%, tháng 3,4,5 và 6/2014: 0,5%). Tình trạng thiểu phát cùng với mức cung tiền tăng thấp cho thấy kinh tế khu vực vẫn đang phục hồi khó khăn và dễ dàng trượt vào suy thoái lần nữa.
Diễn biến cặp tỷ giá Euro/USD cho thấy Euro có 2 đợt tăng giá so với Đôla Mỹ vào các ngày từ 1/1/2014 đến 15/3/2014 và từ 6/4/2014 đến 6/5/2014; cũng có 2 đợt giảm giá so với Đôla Mỹ vào các ngày từ 16/3 đến 3/4/2014 và từ 7/5 đến 30/6; 6 tháng đầu năm, một Euro đổi được trung bình: 1.3709USD, thấp nhất: 1.3478USD, cao nhất: 1.3994 USD.
Thị trường trong nước:
Tháng 6/2014 tỷ giá Đôla Mỹ tiếp tục tăng. Ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá Đôla Mỹ bình quân liên ngân hàng thêm 1% (từ 21.036 đồng/USD lên 21.246 đồng/USD), áp dụng từ ngày 19/6. Theo đó trần tỷ giá cho các ngân hàng thương mại cũng được nâng từ 21.260 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD (với biên độ cộng 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng).
Dưới tác động đó, tỷ giá Đôla Mỹ niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng khá mạnh; đầu tháng 6/2014 tỷ giá Đôla Mỹ được niêm yết ở mức mua vào – bán ra 21.130-21.180 đồng/USD, đến cuối tháng, tỷ giá tăng lên mức 21.295-21.335 đồng/USD với mức tăng 165 đồng/USD chiều mua vào và 155 đồng/USD chiều bán ra. Tỷ giá tự do trên thị trường Hà Nội giao dịch phổ biến khoảng 21.310 đồng/USD chiều mua vào, 21.330 đồng/USD chiều bán ra.
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 6/2014 Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.036 đồng, tăng 1% so với tháng 5/2014, mức tăng lần này vẫn nằm trong biên độ cho phép. Sau khi điều chỉnh tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới.
6 tháng đầu năm 2014: Thị trường Đôla Mỹ có xu hướng ổn định, chỉ tăng vào tháng 6, nguyên nhân chủ yếu từ việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6.
Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến tỷ giá USD tăng mạnh. Ngoài ra, khoảng cách rộng giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng là yếu tố đẩy giá USD tăng cao. Sự bất ổn của giá vàng cũng làm gia tăng nhu cầu nắm giữ USD. Thêm vào đó, lãi suất huy động tiền đồng tiếp tục giảm, dẫn đến xu hướng tâm lý dịch chuyển tiết kiệm từ tiền đồng sang USD có dấu hiệu trở lại, người dân mua USD gửi tiết kiệm tăng lên.
Chỉ số giá Đôla Mỹ các tháng (so cùng kỳ tháng trước) như sau: tháng 1 giảm 0,06%, tháng 2 giảm 0,03%, tháng 3 tăng 0,02%, tháng 4 giảm 0,06%, tháng 5 giảm 0,04%, tháng 6 tăng 0,49%. Chỉ số giá Đôla Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2014 tăng 0,32% so với tháng 12/2013 và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm 2013./.