Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8/2014 tăng 0,22% so với tháng 7/2014, tốc độ tăng thấp hơn so với hai tháng trước, đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây.
So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2014 tăng 1,84%. Đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm giai đoạn từ 2004 đến nay.
So với tháng 8/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2014 tăng 4,31%, mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2009 nhưng thấp hơn cùng kỳ các năm từ năm 2008-2013.
Trong tháng 8/2014, chỉ số giá vàng giảm 0,34%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,26% so với tháng 6/2014. So với tháng 12/2013, chỉ số giá vàng tăng 2,31%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,42%
Những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá
Giá một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG thế giới giảm đã tác động đến giá thị trường trong nước. Theo đó, giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm 5 lần từ nửa cuối tháng 7/2014 (18/7/2014) đến hết tháng 8/2014 (riêng 3 lần điều chỉnh giá xăng, dầu điêzen ngày 18/7/2014, ngày 28/7/2014 và ngày 7/8/2014 tác động làm chỉ số giá xăng dầu giảm 0,16% so tháng trước); giá LPG giảm từ 11.500-16.076 đồng/bình 12kg từ ngày 01/8/2014; bên cạnh đó, giá tiêu dùng điện giảm 0,73% trong khi giá vật liệu xây dựng ổn định, tác động làm giảm chỉ số giá nhóm Giao thông, Nhà ở và vật liệu xây dựng.
Trong nước, cung cầu hàng hóa tiếp tục bảo đảm, chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương; lãi suất tương đối ổn định, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ...; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả, làm giảm sức ép tăng giá trong thời gian qua.
Những yếu tố gây sức ép tăng giá
Giá thực phẩm tăng tại một số mặt hàng như thịt gà, trứng các loại... do nhu cầu thực phẩm phục vụ dịp Rằm tháng 7 và Trung thu tăng; ngoài ra, do ảnh hưởng từ diễn biến thị trường gạo thế giới và nhu cầu gạo xuất khẩu đang cao nên giá lương thực tăng nhẹ trở lại sau 5 tháng giảm liên tiếp là những yếu tố tác động làm tăng giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống và chỉ số giá chung.
Chuẩn bị vào năm học 2014-2015 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép và sách vở, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm... tăng hơn tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số giá nhóm May mặc, mũ nón, giày dép, nhóm Giáo dục vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ một số năm trước.
Trong tháng 8/2014, một số địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập như Hà Nội, Phú Yên; một số dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú ở phòng khám tư nhân cũng được điều chỉnh tăng giá, tác động làm chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ số giá nhóm này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước do tại Hà Nội nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế mặc dù điều chỉnh tăng giá nhưng không nằm trong danh mục tính chỉ số giá.
Dự báo giá tháng 9 tăng nhẹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 có thể chịu áp lực tăng giá do một số yếu tố sau: Nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập tăng do chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015; nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9; bên cạnh đó, mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá. Giá lúa, gạo trong thời gian tới có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo; giá dịch vụ giáo dục (học phí) được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, trong tháng 9/2014 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm; trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; giá một số hàng hóa thiết yếu dự báo tiếp tục ổn định hoặc giảm như thực phẩm, đường, sữa, LPG...; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 18/8 và 29/8 lên nhóm Nhiên liệu và các hàng hóa khác; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường, tháng khuyến mại tại các thành phố lớn tiếp tục được thực hiện góp phần bình ổn thị trường giá cả...
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng nhẹ so với tháng 8/2014.