Tháng 9/2014: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9/2014 tăng 0,4% so với tháng 8/2014. Mặc dù đây là mức tăng chỉ số giá cao nhất kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đến nay, nhưng vẫn là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ tháng 9 một số năm gần đây.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng chủ yếu do nhóm Giáo dục tăng cao với mức 6,38% (chiếm khoảng 91,23% chỉ số giá chung); các nhóm còn lại có mức tăng thấp hơn mức tăng chung. Hai nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,38%, Giao thông giảm mạnh là 1,85%. Nhóm Bưu chính viễn thông ổn định.
Chín tháng đầu năm 2014: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng so với tháng 12/2013, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%. Đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ hơn mười năm gần đây, trong đó, chỉ số giá tăng cao nhất ở nhóm Giáo dục tăng 6,78%, mức tăng thấp nhất là Giao thông tăng 1,23%; hai nhóm có chỉ số giá giảm là Nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,15%, Bưu chính viễn thông giảm 0,38%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng 3,62% so với tháng 9/2013; bình quân chín tháng đầu năm 2014 tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Trong tháng 9/2014, chỉ số giá vàng giảm 1,66%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,15% so với tháng 8/2014. So với tháng 12/2013, chỉ số giá vàng tăng 0,61%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,27%.
Yếu tố tác động lên mặt bằng giá
Tháng 9/2014: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 tăng cao hơn một số tháng trước đó chủ yếu do nhiều địa phương (khoảng 43 địa phương) thực hiện điều chỉnh tăng học phí năm học 2014-2015 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, tác động làm tăng giá nhóm giáo dục (chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 7,17%). Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài, mưa lớn tại một số địa phương ảnh hưởng đến giá của một số mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Tuy nhiên, áp lực tăng được giảm bớt do giá xăng, dầu điezen được điều chỉnh giảm ba đợt trong kỳ tính chỉ số giá (ngày 18/8, 29/8, 9/9/2014 với tổng mức giảm là 1.090 đ/lít đối với giá xăng, giảm 400 đ/lít đối với giá dầu diezel) làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh 1,85% so với tháng trước (trong đó, chỉ số giá xăng dầu giảm 3.99% so tháng trước; giao thông công cộng giảm 0,4%); giá LPG, dầu hỏa, điện tiêu dùng lũy kế giảm... tác động làm chỉ số giá nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,38%.
Chín tháng đầu năm 2014: mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng thấp so với các năm.
Yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá
Kinh tế thế giới hồi phục chậm và không đồng đều giữa các nền kinh tế sau suy thoái toàn cầu, tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia, nhất là khu vực châu Âu dẫn đến kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp cũng như xuất khẩu của khu vực đồng EURO bị ảnh hưởng mạnh bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các nước trong khu vực. Giá một số hàng hóa Việt Nam có kim ngạch xuất/nhập khẩu lớn giảm trong 9 tháng đầu năm tác động vào thị trường trong nước theo hướng giảm nhẹ áp lực lạm phát.
Trong nước, kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực, tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm trong khi đó, cung về hàng hoá vẫn bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, do nguồn cung mặt hàng lương thực, thực phẩm được bảo đảm cùng với sự chi tiêu hợp lý của người dân nên giá cả nhóm lương thực, thực phẩm (thịt gà, thịt lợn, quả tươi) chỉ tăng nhẹ vào những ngày giáp Tết; sau đó đã giảm và khá ổn định trong những tháng tiếp theo.
Mặt khác, thời tiết thuận lợi hỗ trợ làm tăng năng suất thu hoạch đối với một số mặt hàng nông sản như lương thực, rau, củ, quả (trong một số thời điểm và tại một số vùng trồng trọt chính của cả nước), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt đã góp phần giảm áp lực tăng giá trong dịp Tết. Điều này đã được phản ánh qua diễn biến chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 9 tháng đầu năm 2014 có mức tăng thấp trong dịp Tết Nguyên đán so với cùng kỳ các năm trước, giảm khá sâu sau Tết và có tốc độ tăng khá ổn định trong quý II, quý III.
Giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường có tính đến ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó: giá bán điện bình quân vẫn được giữ ở mức 1.508,85 đồng/kwh trong 9 tháng đầu năm tuy cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có sự thay đổi từ ngày 1/6/2014; đối với giá xăng dầu, Nhà nước đã sử dụng công cụ tài chính (quỹ bình ổn giá hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở) nhằm giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá; khi có dư địa giảm giá đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp.
Giá gas thế giới giảm nên giá gas trong nước 9 tháng đầu năm giảm 13,01% so với cuối năm 2013; giá vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép xây dựng...) trong giai đoạn này khá ổn định, không có những biến động mạnh.
Công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường nhất là trong các đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Việc Chính phủ áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã đạt được những hiệu quả tích cực, bước đầu kéo mặt bằng giá các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm xuống (giá giảm từ 0,1% đến 34,0% so với trước thời điểm áp dụng các biện pháp bình ổn giá). Công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu ngày càng theo hướng công khai, minh bạch hơn, đem lại lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần giảm áp lực lạm phát do tâm lý.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm ở mức thấp.
Những yếu tố gây sức ép tăng giá
Theo quy luật hàng năm, quý I là thời gian có Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tại một số thời điểm, nhất là những ngày giáp Tết tăng cao gây sức ép tăng giá, đặc biệt là giá các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ dài dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), dịp 30/4-1/5, 2/9, dịp khai giảng năm học mới tăng tác động tăng giá hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, văn hóa, du lịch, hàng may mặc...
Giá một số nguyên, nhiên vật liệu (xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, phân bón...) trên thị trường thế giới biến động tăng tại một số thời điểm trong 9 tháng đầu năm cũng đã ảnh hưởng tới giá hàng hóa trong nước. Trong đó, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu một số lần tuy ở mức có kiềm chế cùng với việc Nhà nước tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành quy định về trọng tải phương tiện vận chuyển đường bộ làm giá nhóm chi phí nhiên liệu, cước vận tải đường bộ tăng đã tác động làm tăng chi phí đầu vào của một số mặt hàng và tác động nhất định đến giá hàng hóa, dịch vụ trong 9 tháng đầu năm.
Thực hiện lộ trình giá thị trường, một số hàng hoá, dịch vụ tiếp tục được điều chỉnh tăng như: một số địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cở sở y tế công lập [11]; điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) tại các bậc mẫu giáo, phổ thông cơ sở, học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học tác động đến chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, nhóm Giáo dục và đến chỉ số giá chung.
Bên cạnh đó, yếu tố thiên tai, dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm cũng đã làm giá cả tăng cục bộ ở một số địa phương và có ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung.