Thị trường thế giới: Trong tháng 1/2015, giá gạo xuất khẩu thị trường thế giới tương đối ổn định trong nửa đầu tháng nhưng lại có xu hướng giảm vào cuối tháng. So với tháng 12/2014, giá chào bán các loại gạo xuất khẩu (giá FOB) tháng 1/2014 giảm tại thị trường Thái Lan và Việt Nam.
Tại Thái Lan, loại gạo 5% tấm giá phổ biến ở mức 405-420 USD/tấn, giảm khoảng 5 USD/tấn; loại 25% tấm giá ổn định ở mức 395-400 USD/tấn; giá chào bán gạo của Việt Nam, loại 5% tấm dao động ở mức 370-390 USD/tấn, giảm khoảng 5-15 USD/tấn, loại 25% tấm dao động ở mức 345-365 USD/tấn, giảm khoảng 5-15 USD/tấn.
Thị trường trong nước: giá lúa, gạo tẻ thường ổn định tại miền Bắc và giảm tại miền Nam. Riêng giá gạo chất lượng cao và gạo nếp tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cho dịp Tết tăng.
Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tiếp tục ổn định so với cùng kỳ tháng 12/2014: giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, một số loại thóc chất lượng cao hơn giá phổ biến ở mức 7.500 – 8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000-13.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu giảm so với tháng 12/2014: Giá lúa dao động ở mức 5.100-5.500 đồng/kg, giảm khoảng 100-250 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 7.550-7.950 đồng/kg, giảm khoảng 250-350 đồng/kg; loại 25% tấm giá ở mức 6.850-7.300 đồng/kg, giảm khoảng 100-400 đồng/kg.
Về tình hình xuất khẩu gạo: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kết quả xuất khẩu gạo từ 1/1/2015 - 29/1/2015 đạt 169.358 tấn; trị giá FOB là 77,322 triệu USD.
Nguyên nhân: Nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thị trường trầm lắng nên tác động giá gạo thị trường thế giới và giá lúa gạo trong nước tiếp tục giảm.
Dự báo: Giá gạo xuất khẩu thị trường thế giới tháng 2 dự báo giảm do tác động của việc xả kho gạo của Thái Lan. Trong nước, nguồn cung dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu nên giá lúa, gạo tronng nước tháng 2 dự báo ổn định.