Cụ thể, giá lúa gạo ổn định tại miền Bắc, giảm tại miền Nam; giá thực phẩm tươi sống cơ bản ổn định; giá đường, thức ăn chăn nuôi, phân bón, gas, thép xây dựng giảm nhẹ; giá xăng dầu thế giới giảm sâu tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, giá cước vận tải ô tô cũng biến động giảm khoảng 2-33% tuỳ từng loại hình, doanh nghiệp, tuyến vận tải, giá cước đường sắt giảm khoảng 10%, giá cước hàng không giảm khoảng 15%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2014, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1/2015 giảm 0,2%. Trong cơ cấu CPI tháng 1/2015, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm góp phần làm giảm chỉ số giá chung là: Giao thông (có mức giảm sâu nhất -3,96%), tiếp đến là Nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,09%), Nhóm Bưu chính viễn thông (-0,07%). Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ trong khoảng 0,08-0,53%.
So với cùng kỳ năm 2014 (tháng 1/2014), CPI tháng 1/2015 chỉ tăng 0,94%, trong đó mặc dù các nhóm như Giáo dục, Hàng hoá và dịch vụ khác, May mặc mũ nón giầy dép tăng trên 3% (nhóm Giáo dục tăng 8,32%) nhưng do sự giảm sâu của nhóm Giao thông, Nhà ở vật liệu xây dựng (giảm lần lượt 10,4% và 3,99%) và nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất) tăng không cao (chỉ tăng 2,1%) nên chỉ số giá CPI chung chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số giá vàng tháng 1/2015 tăng 0,45%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,23% so với tháng 12/2014. So với cùng kỳ tháng 1/2014, chỉ số giá vàng giảm 1,41 %, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,33%.
Yếu tố chính tác động đến giá thị trường
Tháng 1/2015 là thời điểm cận Tết âm lịch và trong mùa cưới hỏi khiến nhu cầu mua sắm, ăn uống, dự trữ lương thực thực phẩm để phục vụ cho sản xuất chế biến mặt hàng Tết tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 đạt 275,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng 12/2014 và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 tăng 11,93% so với cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng khá so với giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, giá cả thị trường hàng hóa dịch vụ trong nước tháng 1/2015 nhìn chung biến động theo xu hướng giảm do một số yếu tố sau:
Giá xăng, dầu điều chỉnh hai đợt giảm giá trong kỳ tính chỉ số giá vào ngày 22/12/2014 và ngày 06/01/2015 (giá xăng giảm 2.360 đ/lít (tương ứng giảm 13,23%), giá dầu diezel giảm 1.780 đ/lít (giảm 10,24%), giá dầu hỏa giảm 1.860 đ/lít (giảm 8,11%) góp phần chủ yếu đưa chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,96%, đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI tháng 1/2015. Bên cạnh đó, giá gas giảm từ ngày 1/1/2015 và giá cước vận tải hàng hóa giảm góp phần làm cho CPI tháng 1/2015 giảm hơn so với tháng trước.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, thời tiết thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản (rau, hoa, quả, thực phẩm tươi sống,...). Dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá các sản phẩm chăn nuôi diễn biến theo hướng có lãi khuyến khích người chăn nuôi tái đàn từ các tháng trước, đến nay bước vào thu hoạch.
Chương trình kích cầu, khuyến mãi giảm giá cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được các doanh nghiệp thực hiện rộng rãi tại các địa phương; lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm gióp phần giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp từ đó có điều kiện hạ giá thành, giá bán, tăng khả năng cạnh tranh...
Công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường.
Các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Trong đó, về phía Bộ Tài chính, ngày 22/12/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Đồng thời, tổ chức 3 đoàn kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo địa phương 3 miền tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trong dịp Tết trong đó bao gồm nội dung kiểm tra thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp, đạt kết quả tích cực bước đầu; đồng thời, tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật về giá tại một số doanh nghiệp vận tải./.