Tình hình thị trường: Giá thuốc 15 ngày đầu tháng 3/2015 nhìn chung ổn định, một số ít mặt hàng thuốc trên thị trường có biến động tăng/giảm giá với biên độ hẹp; nguồn cung thuốc đáp ứng đủ nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Về giá nhập khẩu thuốc: Số mặt hàng thuốc nhập khẩu có biến động giá, trong đó phần lớn là giảm giá so với giá nhập thời điểm cuối năm 2014 như: Plendil Plus hộp 30 viên nhập từ Thụy Điển có giá 9,64USD/hộp, giảm 22%; Pamisol 30 MG/10Ml hộp 1 lọ 10 ml nhập từ Astralia có giá 43 USD/hộp, giảm 21%; Lipovenoes 10% Plr chai/250 ml nhập từ Áo có giá 4,33 USD/lọ, giảm 16,3%...
Một số mặt hàng có biến động tăng như: Neurobion Vitamin B tổng hợp nhập từ Indonexia có giá 0,06 USD/viên, tăng 7,56%; Loral hộp/10 vỉ x 10 viên nhập từ Ấn Độ có giá 0,95 USD/hộp, tăng 11,76%...
Theo thông tin về giá thuốc kê khai lại trên trang điện tử của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế (tính đến 13/02/2015), có 02 mặt hàng thuốc nhập khẩu và 83 mặt hàng thuốc trong nước kê khai lại giá (tăng giá), chiếm khoảng 0,34% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc hiện đang lưu hành trên thị trường.
Về nguyên phụ liệu sản xuất thuốc: Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là 02 thị trường chính cung cấp nguyên phụ liệu để sản xuất thuốc. Giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất thuốc có biến động tăng/giảm, số mặt hàng có giá thay đổi chiếm khoảng 20% trong tổng số các mặt hàng nhập khẩu như Methylprednissolone (Trung Quốc) có giá 2.600 USD/kg, tăng 23%; Celecoxxib (Ấn Độ) có giá 49 USD/kg, tăng 18%; Adenosine Disodium Triphosphate (Trung Quốc) có giá 145 USD/kg, giảm 12%...
Nguyên nhân khiến giá thuốc trên thị trường ổn định là do nguồn cung thuốc dồi dào, giá nhập khẩu thuốc tương đối ổn định và việc tăng cường xem xét giá thuốc kê khai của Bộ Y tế và Sở Y tế; bên cạnh đó giá một số mặt hàng có biến động phụ thuộc vào giá nguyên liệu sản xuất thuốc.
Dự báo nửa cuối tháng 3/2015, giá thuốc trên thị trường tiếp tục ổn định./.