Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng 6/2014. Mức tăng CPI tháng 7/2015 thấp hơn so với tháng trước (tháng 6/2015 tăng 0,35%); nếu loại trừ năm 2012, CPI tháng 7/2015 so với tháng trước có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua (So với tháng 6, chỉ số giá tháng 7 năm 2004 tăng 0,5%, 2005 tăng 0,40%, 2006 tăng 0,40%, 2007 tăng 0,94%, 2008 tăng 1,13%, 2009 tăng 0,52%, 2010 tăng 0,06%, 2011 tăng 1,17%, 2012 giảm 0,29%, 2013 tăng 0,27%, 2014 tăng 0,23%).
CPI tháng 7/2015 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,68% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.
Những yếu tố hỗ trợ giá cả thị trường tăng thấp
- Giá thị trường thế giới một số mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất-nhập khẩu lớn của nước ta trong tháng 7 diễn biến theo chiều hướng giảm: giá dầu thô và giá LPG giảm; giá chào bán gạo xuất khẩu tại Việt Nam cũng tiếp tục xu hướng giảm do bối cảnh thị trường xuất khẩu còn khó khăn. Nguồn cung lương thực trong nước dồi dào góp phần làm chỉ số giá lương thực giảm (-0,38%).
- Cung cầu hàng hóa dịch vụ thị trường trong nước bảo đảm cân đối; giá thịt lợn giảm 0,13%, giá thịt gia cầm giảm 0,2% do sản lượng dồi dào, các hộ chăn nuôi đồng loạt xuất chuồng.
- Do diễn biến giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ điều hành giảm, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã chỉ đạo giảm giá xăng dầu vào ngày 4/7/2015 (xăng giảm 330 đồng/lít; dầu diezel giảm 570 đồng/lít); giá gas thế giới giảm, tạo điều kiện để các DN kinh doanh gas điều chỉnh giảm giá bán trong nước 3.500-8.800/bình 12 kg… đã góp phần giữ CPI tháng 7/2015 tăng thấp.
- Công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt, liên tục trong tháng. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường cũng góp phần bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế lạm phát.
Những yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá
- Trong tháng 7 diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nên nhu cầu đi lại và ăn uống ngoài gia đình tăng. Ngoài ra, các chi phí về điện, nước, công dịch vụ, chi phí thuê địa điểm, nhân công tăng cũng là nguyên nhân tác động khiến giá một số mặt hàng tăng. Mặt khác, theo quy luật hàng năm vào tháng 7 và tháng 8 sắp bước vào khai giảng năm học mới 2015-2016 nên nhu cầu và sức mua các mặt hàng như quần áo, giầy dép tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2015 giá vải các loại tăng 0,38%, mũ nón tăng 0,26%, giầy dép tăng 0,18%... so với tháng 6/2015.
- Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu về điện, nước, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng cũng gây sức ép tăng giá tháng 7/2015. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, thời tiết nắng nóng khiến lượng điện tiêu thụ tăng, đồng nghĩa với mức giá điện cao trên bảng giá điện bậc thang khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,32%; tương tự chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,22%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do nhu cầu giải nhiệt, chống nóng tăng cao trong mùa hè, giá của các thiết bị điện tăng như máy điều hòa không khí, tủ lạnh, quạt điện tăng từ 0,2% - 0,9%, giá dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình tăng 0,4%...
- Nắng nóng cũng gây bất lợi cho việc thu hoạch thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… nên giá một số mặt hàng này tăng so với tháng trước như: thủy sản tươi sống (tôm rảo, cá quả, cá thu, cá nục, cá mực, cua, tôm sú) tăng 0,37%; rau, củ quả tăng 1,83% do chủ yếu tăng ở một số mặt hàng trái vụ như bắp cải, cà chua, đỗ quả tươi..; các loại hoa quả như cam sành, thanh long, chanh, xoài... cũng tăng do nhu cầu tăng cao khi thời tiết nắng nóng;
Ngoài ra, nhu cầu nguyên liệu chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp rằm Trung thu tăng khiến giá một số nguyên liệu tăng (trứng các loại tăng 0,54%, đường tăng 0,58%...).
Dự báo tháng 8/2015
Dự báo giá thế giới một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG, gạo xuất khẩu tháng 8 giảm hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho điều hành giá thị trường trong nước.
- Trong nước, cung cầu hàng hóa tiếp tục bảo đảm. Chuẩn bị vào năm học 2015-2016 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép và sách vở, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm... tăng. Tuy nhiên, chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả từ đầu năm tại một số địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh); lãi suất tương đối ổn định, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại ổn định...; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ... góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả nước tháng 8 ở mức thấp.
- Mặt khác, tháng 8 tiếp tục là mùa mưa bão, với các tác động đến đời sống, và sản xuất, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, làm tăng giá cục bộ tại các địa phương bão đi qua.
Diễn biến giá một số mặt hàng thiết yếu tháng 7/2015
Xăng dầu
Trong tháng 7/2015, giá xăng dầu thế giới giảm so với tháng 6/2015. Trên cơ sở diễn biến giá thế giới và căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT/BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu; Liên Bộ đã điều hành giá xăng dầu như sau:
Ngày 04/7/2015: Căn cứ giá xăng dầu thế giới giảm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có công văn số 6714/BCT-TTTN ngày 04/7/2015 về điều hành giá xăng dầu, trong đó yêu cầu các thương nhân xăng dầu đầu mối:
Đối với Quỹ BOG: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG như hiện hành;
- Giảm mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Đối với các loại xăng khoáng, giảm từ 1.047 đồng/lít xuống còn 527 đồng/lít; xăng E5, giảm từ 882 đồng/lít xuống còn 362 đồng/lít.
Đối với giá bán xăng dầu trong nước: Sau khi thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến không cao hơn mức giá: Xăng RON 92: 20.380 đồng/lít; xăng E5: 20.050 đồng/lít; dầu điêzen: 15.793 đồng/lít; dầu hỏa: 14.878 đồng/lít; dầu madut 3,5S: 12.306 đồng/kg.
Trên cơ sở công văn của Liên Bộ, qua giám sát, các thương nhân đầu mối đã điều chỉnh giảm giá đối với mặt hàng xăng là 330 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S giảm 280 đồng/lít, dầu hỏa giảm 220 đồng/lít, dầu madút giảm 430 đồng/kg.
Ngày 20/7/2015: Trước yếu tố giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có công văn số 7294/BCT-TTTN ngày 20/7/2015 về điều hành giá xăng dầu, trong đó yêu cầu các thương nhân xăng dầu đầu mối:
Đối với Quỹ BOG: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG như hiện hành;
- Ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng như sau: xăng khoáng giảm từ mức 527 đồng/lít về mức 0 đồng/lít; xăng E5 giảm từ mức 362 đồng/lít về mức 0 đồng/lít (ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu).
Đối với giá bán xăng dầu trong nước: Sau khi thực hiện việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG như trên, giá bán xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá cơ sở theo quy định; cụ thể: Xăng Ron 92 là 20.120 đồng/lít; xăng E5 là 19.625 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 14.681 đồng/lít; dầu hỏa là 13.750 đồng/lít; dầu ma dút 180CST 3,5S là 11.434 đồng/kg.
Trên cơ sở công văn của Liên Bộ, qua giám sát, các thương nhân đầu mối đã điều chỉnh giảm giá đối với mặt hàng xăng khoáng là 260 đồng/lít; xăng E5 là 430 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S giảm 1.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.120 đồng/lít, dầu madút giảm 870 đồng/kg.
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước, mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG, thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu từ sau thời điểm 15 giờ 00 ngày 20/7/2015 cụ thể như sau:
Khí hóa lỏng (LPG)
Từ ngày 01/7/2015, giá CP (contract price) trên thị trường thế giới tháng 7/2015 do Công ty Aramco của Ả Rập công bố giảm so với tháng 6/2015. Theo đó, giá CP bình quân tháng 7/2015 là 410 USD/tấn, giảm 12,5 USD/tấn (tháng 6 /2015: 422,5 USD/tấn), tỷ lệ giảm khoảng 2,96 %.
Với giá CP trên thế giới giảm (12,5 USD/tấn), các doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối đã điều chỉnh giảm giá bán LPG trong nước, mức giảm khoảng từ 3.440 đồng/bình 12kg đến 8.878 đồng/bình 12kg tùy từng doanh nghiệp và từng địa điểm bán hàng; thời gian thực hiện từ 01/7/2015.
Thép
Giá chào phôi thép trên thị trường thế giới tháng 7/2015 giảm so với tháng 6/2015. Theo đó, giá chào phôi thép nguồn CIS hiện khoảng 325-335 USD/tấn FOB Biển Đen, giảm khoảng 20-30 USD/tấn; giá phôi Trung Quốc khoảng 310-325 USD/tấn CFR ĐNÁ, giảm khoảng 10-15USD/tấn.
Do giá phôi thép giảm cùng với nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước giảm so với tháng 6/2015, nên các công ty sản xuất kinh doanh thép trong nước cơ bản vẫn giữ ổn định giá bán, tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép điều chỉnh tăng mức chiết khấu bán hàng khoảng 200-300 đồng/kg tùy từng loại.
Thực phẩm tươi sống
Nguồn cung thực phẩm tương đối dồi dào và ổn định nên giá thực phẩm tươi sống tháng 7/2015 nhìn chung ổn định so với tháng 6/2015, riêng giá một số rau củ và thủy sản tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tăng. Cụ thể:
Thịt lợn hơi: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg; tại miền Nam giá phổ biến khoảng 45.000-47.000 đồng/kg.
Thịt lợn mông sấn: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 90.000-95.000 đồng/kg; tại Miền Nam giá phổ biến khoảng 85.000-90.000 đồng/kg.
Thịt bò thăn: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg.
Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 125.000-130.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 120.000-125.000 4đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000-65.000 đồng/kg.
Giá trứng gà công nghiệp phổ biến ở mức 25.000-27.000 đồng/chục; trứng vịt từ 30.000-32.000 đồng/chục.
Giá một số loại rau, củ, quả: bắp cải 10.500-13.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; khoai tây 15.000-18.000 đồng/kg; cà chua 15.000-18.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như: cá chép 75.000-80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-185.000 đồng/kg; cá quả 110.000-123.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Muối
Về tình hình sản xuất: Theo Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất muối đến ngày 20/6/2015 như sau:
- Diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 15.096 ha, trong đó: Diện tích muối thủ công đạt 11.184 ha, tăng 2 ha so với cùng kỳ 2014; Diện tích muối công nghiệp đạt 3.912 ha, tăng 273 ha so với cùng kỳ 2014.
- Sản lượng muối ước đạt 1.002.841 tấn, tăng 15,2 % so với cùng kỳ 2014, trong đó: Muối sản xuất thủ công ước đạt 704.348 tấn, tăng 11,3 % so với cùng kỳ 2014; Muối sản xuất công nghiệp ước đạt 298.493 tấn, tăng 25,5 % so với cùng kỳ 2014.
- Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 597.982 tấn, trong đó: Miền Bắc tồn 26.467 tấn; Miền Trung tồn 259.733 tấn; Đồng bằng sông Cửu Long tồn 311.782 tấn.
* Về giá cả: Trong tháng 7/2015, giá bán buôn muối tại các miền nhìn chung ổn định so với tháng 6/2015 do đang vào chính vụ, sản lượng dồi dào. Tại miền Bắc, giá muối từ 1.000-1.700 đồng/kg; muối công nghiệp từ 500-850 đồng/kg; đồng bằng sông Cửu Long từ 600-1.000 đồng/kg.
Thức ăn chăn nuôi
+ Thị trường thế giới:
So với tháng 6/2015, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới ổn định đối với mặt hàng khô đậu tương, tăng đối với mặt hàng đậu tương và ngô do dự báo giảm sản lượng tại Mỹ bởi điều kiện khí hậu không tốt. Tại Chicago, giá khô đậu tương giao tháng 8/2015 dao động khoảng 310-327,3 USD/tấn; giá đậu tương giao tháng 11/2015 dao động khoảng 10,14 – 10,3 USD/Bushel, tăng 0,5-0,64 USD/bushel; giá ngô giao tháng 7/2015 dao động khoảng 413,75-433,5 Uscent/Bushel, tăng 37.5-58,75 Uscent/Bushel (trong đó 36,743 Bushel = 1 tấn).
+ Thị trường trong nước:
Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tương đối ổn định so với tháng 6/2015. Giá thức ăn hỗn hợp cho lợn khoảng 9.200-9.500 đồng/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho gà khoảng 10.360 – 10.760 đồng/kg.
Cước vận tải
Bao gồm vận tải bằng đường bộ, vận tải đường hàng không nội địa, vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng: trong tháng 7 ổn định.