Tập trung nguồn lực cho việc đào tạo
Sau nhiều năm nghiên cứu, giữa năm 2020, tỉnh Lào Cai đã sáp nhập 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Lào Cai thành Trường Cao đẳng Lào Cai.
Ông Hoàng Xuân Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện Quyết định số 1522/QĐ-BLĐTBXH về sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã cho sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Trung học Y tế vào Trường Cao đẳng Lào Cai. Đồng thời thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Lào Cai tiếp nhận thêm Trung tâm đào tạo Hán ngữ, Trung tâm thực nghiệm và biểu diễn và một phần của Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai.
Kết quả, sau một thời gian sáp nhập, tỉnh đã tập trung được nguồn lực đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuyển sinh được làm liên tục, đa dạng, bằng nhiều hình thức. Công tác mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm cho người học được đẩy mạnh. Trường đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh theo quy định của Nhà nước; ngoài ra tích cực hỗ trợ học sinh sinh viên là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn trong học tập…thông qua nhiều hoạt động khác.
Sau 3 tháng sáp nhập, công tác dạy và học của thầy cô và học sinh nhà trường đã bắt đầu đi vào ổn định. Nhà trường đã hoạch định và cùng với Sở LĐTBXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đưa ra kế hoạch đào tạo nghề trên địa bàn, dựa trên những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Nguyễn Xuân Linh - Phó trưởng phòng Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai) cho biết, thời gian qua chủ trương sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tỉnh Lào Cai thực hiện quyết liệt. Về căn bản, chủ trương đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần kết nối nguồn lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, hiện nay, trường cũng đã được đầu tư, hỗ trợ để đào tạo một số ngành công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Úc. Đây là cơ sở để bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, qua đó kêu gọi đầu tư nước ngoài, góp phần vào việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hướng tới đào tạo những nghề có thế mạnh
Mục tiêu của việc sáp nhập là hướng tới tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Sau một thời gian sắp xếp, Trường Cao đẳng Lào Cai đã nhận định cần tăng cường đào tạo các nghề có thế mạnh của địa phương. Dẫn đầu là nghề dịch vụ, du lịch.
Để làm điều này, trường đã tư vấn cho địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề dựa trên thế mạnh của các địa phương. Ví dụ như Sapa thì tăng cường đào tạo các nghề dịch vụ, du lịch; dạy các nghề buồng phòng; làm du lịch homestay; dạy các nghề thủ công mỹ nghệ;....
Bà Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2019, trường đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho 920 nông dân để làm nghề truyền thống ở làng nghề. Cụ thể, nghề chạm khắc bạc 34 học viên, nghề thêu thổ cẩm 570 học viên, nghề sản xuất và chế biến miến dong 131 học viên, nghề mây tre đan 185 học viên. Ngoài ra, trường đã đào tạo bồi dưỡng cho 100 nông dân sản xuất kinh giỏi để bổ sung lực lượng người dạy nghề, tham gia đào tạo lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề. Việc đào tạo nghề được thực hiện lồng ghép trong các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; qua đó đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại các làng nghề như trạm khắc bạc, thêu thổ cẩm,...
Bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy nghề trên địa bàn cũng đối mặt với nhiều khó khăn. "Khó khăn đầu tiên là việc tạo việc làm sau học nghề. Hiện nay hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp cơ sở đào tạo nghề chưa được làm tốt. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cũng tác động không nhỏ tới việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực nghề nghiệp trong tương lai, cũng như giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề" - bà Linh cho biết.