Để “lọt lưới” vì chậm cập nhật thông tin
Một vụ việc xảy ra mới đây: Do số lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ tăng đột biến, Hải quan Mỹ đã điều tra và đề nghị đánh thuế bán phá giá hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với một số mặt hàng.
Điển hình là hàng mật ong tự nhiên, từ Trung Quốc xuất sang Mỹ và các nước khác, khai báo là mật ong xuất xứ Việt Nam (được hưởng thuế suất 16 - 18% của Mỹ), để tránh mức thuế chống bán phá giá của Mỹ (sản phẩm này nếu có xuất xứ Trung Quốc sẽ bị áp thuế 200%).
Thực tế, ngành Hải quan cũng thừa nhận đã có những trường hợp để “lọt lưới”. Nguyên nhân là do hiểu biết các quy định về xuất xứ của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu còn hạn chế và hải quan địa phương không cập nhật kịp thời các văn bản, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, nên không kịp xử lý.
Có trường hợp, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất xứ nhưng vẫn được cấp C/O (mẫu) ưu đãi đặc biệt (như các lô hàng thép cán nguội nhập khẩu từ Philippnes). Có trường hợp cấp C/O sai quy định về hàm lượng xuất xứ, như 23 lô hàng sản phẩm điện tử, điện lạnh nhập khẩu trị giá 730.000 USD, có C/O mẫu D chứng nhận 100% giá trị sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan.
Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra liên ngành thương mại - hải quan - quản lý thị trường, tại một số cửa khẩu biên giới với Lào, C/O mẫu D của các lô hàng nhập khẩu từ Thái Lan không phải là C/O bị làm giả, nhưng Phòng cấp C/O của Thái Lan đã cấp không đúng quy định của hiệp định và luật pháp Thái Lan. Do vậy, các lô hàng này đã bị xử lý truy thu thuế...
Đề cao các biện pháp cảnh báo sớm
Ngành Hải quan đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong công tác kiểm soát xuất nhập khẩu (XNK), chống gian lận C/O, đó là vấn đề tổ chức phối hợp thu thập thông tin về xuất xứ hàng hóa. Việc kiểm tra và xác định xuất xứ mới thực hiện ở mức kiểm tra các chứng từ trong bộ hồ sơ và bên ngoài hàng hóa; chưa đủ trình độ và kinh nghiệm kiểm tra hàm lượng xuất xứ khi có nghi ngờ.
Áp lực đối với lực lượng kiểm soát hải quan là thông tin văn bản pháp lý ngày càng lớn, tính kỹ thuật về nghiệp vụ xuất xứ cao, dẫn đến hải quan nhiều địa phương chưa cập nhật và nắm vững các quy định về xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
Số lượng mẫu dấu và chữ ký của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của các nước thành viên rất lớn, thường xuyên cập nhật thay đổi. Việc tra cứu mẫu dấu và chữ ký thực hiện thủ công làm hạn chế trong công tác kiểm tra và xác định xuất xứ.
Vấn đề cần sớm khắc phục hiện nay là nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan, đảm bảo kinh nghiệm và kỹ năng trong việc xác định chứng từ giả hoặc thật. Một mặt để chống gian lận C/O có hiệu quả, cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, từ khâu cấp phép đầu tư, cấp C/O đến quản lý XNK; tăng cường hoạt động phối hợp cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận Chứng từ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O cho hay, đơn vị luôn đề cao các biện pháp cảnh giác như: Thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... áp thuế chống bán phá giá. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận…
Trong thời gian tới, VCCI sẽ triển khai cấp C/O điện tử trong toàn bộ hệ thống cấp C/O của VCCI, nhằm hòa nhập cùng với xu thế điện tử hóa các chứng từ thương mại của thế giới cũng như hòa vào mạng cấp giấy phép 1 cửa của khu vực và triển khai việc trao đổi điện tử với các nước như Hàn Quốc, Iran... Ngoài ra, trung tâm triển khai dịch vụ tin nhắn SMS để hỗ trợ DN luôn cập nhật được tình trạng C/O được cấp trong ngày tại VCCI, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cho DN.