Tài nguyên có hạn, cần gìn giữ
Theo báo cáo đánh giá, tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 960,6 triệu tấn, trong đó trữ lượng đã thăm dò đạt 760,6 triệu tấn. Sản lượng khai thác các năm gần đây bình quân khoảng 3,5 triệu tấn tinh quặng/năm.
Do nhu cầu nhập khẩu từ các nước trong khu vực (lớn nhất là Trung Quốc - nước nhập khẩu quặng sắt làm vật liệu sản xuất gang thép lớn nhất thế giới), Việt Nam đã xuất khẩu quặng sắt và tinh quặng sắt với số lượng lớn.
Vàng có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Vàng tập trung chủ yếu ở nghiệp phân bổ ở các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Sản lượng khai thác, chế biến khoảng 2.500 kg vàng/năm. Trong đó, riêng 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) khoảng 1.500 kg/năm; số lượng còn lại được khai thác, chế biến nhỏ lẻ phân bố rải rác khắp cả nước.
Titan có tổng tài nguyên quặng tính đến năm 2012 khoảng trên 600 triệu với 3 loại: Quặng gốc trong đá xâm nhập mafic; quặng trong vỏ phong hóa và quặng sa khoáng ven biển. Hiện nay, việc khai thác rải rác khắp các vùng trên cả nước và xuất khẩu titan hiệu quả chưa cao, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việt Nam đã xuất khẩu tinh quặng titan với số lượng lớn, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm đạt 66.907.250 USD/năm, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu nhóm khoáng sản kim loại.
Cả vonfram là kim loại hiếm (có tổng trữ lượng khoảng 195 ngàn tấn) và antimon (ước tính khoảng 67.000 tấn) đều có trữ lượng không nhiều. Nhu cầu sử dụng vonfram trong nước trong giai đoạn tới (2015 - 2025) khoảng gần 1.000 tấn/năm; nhu cầu sử dụng antimon trong nước trong giai đoạn tới (2015 - 2025) khoảng 1.980 tấn/năm.
Quặng đồng ở nước ta hiện nay có trữ lượng ước tính khoảng 1.018 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc và Quảng Nam. Sản lượng khai thác bình quân là 84.040 tấn/năm. Như vậy, trữ lượng đồng hiện nay là không nhiều.
Hiện nay, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ...) đều thiếu đồng và tinh quặng đồng. Cùng với yêu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu về đồng hiện nay tại Việt Nam càng ngày càng tăng cao, dự báo nhu cầu đồng đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 156.000 tấn/năm.
Quặng niken có trữ lượng xác định khoảng 4,5 triệu tấn, tập trung tại mỏ Niken Bản Phúc, tỉnh Sơn La, dự kiến khai thác trong 11 năm. Dự báo nhu cầu niken kim loại năm 2015 là 4,1 ngàn tấn, năm 2020 khoảng 5,3 ngàn tấn và năm 2025 có thể lên tới 6,7 ngàn tấn. Như vậy, cùng với nhu cầu về đồng, niken ngày càng tăng trong khi nguồn nguyên liệu này tương đối ít trên thế giới và ngày càng giảm.
Giảm mạnh lợi nhuận khai thác
Để góp phần bảo vệ nguồn quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước, khuyến khích doanh nghiệp khai thác đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ trong khai thác và chế biến, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sống xung quanh khu vực khai thác, Bộ Tài chính đề nghị tăng mức thuế suất thuế Tài nguyên đối với các loại khoáng sản:
Tăng thuế suất với sắt (khung thuế suất từ 7 - 20%) từ 10% (hiện tại) lên 15%. Với việc tăng mức thuế suất, số thu thuế Tài nguyên dự kiến khoảng 320,3 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 106,8 tỷ đồng.
Tăng mức thuế suất titan (khung 7 - 20%) từ 11% lên 16%. Theo tính toán, với mức thuế suất dự kiến tăng, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm (gần 8 lần) còn 7.266 đồng/tấn; số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 123,8 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 38,7 tỷ đồng.
Tăng thuế suất đối với vàng (9 - 25%) từ 15% lên 25% (mức kịch trần), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm (khoảng 1/2) còn hơn 57 triệu đồng/kg; số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 348,3 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 139,3 tỷ đồng.
Với vonfram (7 - 25%) từ 10% lên 18%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm (khoảng một nửa) còn khoảng hơn 20 triệu đồng/tấn; số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 2,3 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 1 tỷ đồng. Antimon (7 - 25%) từ 10% lên 18% (bằng mức tăng của vonfram), lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm (khoảng 1/2) còn gần 2,4 triệu đồng/tấn số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 0,7 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 0,3 tỷ đồng.
Đồng, niken (7 - 25%), theo tính toán, tăng từ 10% lên mức thuế suất 15%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên khai thác giảm (khoảng 2/3) còn 848.662 đồng/tấn. Số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 412,3 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 137,4 tỷ đồng.
Bô-xít: Khung thuế suất 7 - 25%, thuế suất hiện hành là 12%.
Phương án 1: giữ nguyên mức thuế suất thuế Tài nguyên đối với bô-xít như hiện hành (10%).
Phương án 2: giảm mức thuế suất thuế Tài nguyên đối với bô-xít từ 12% xuống 7% (mức sàn).
(Bộ Tài chính nghiêng về Phương án 1)
|