Lưu nội địa không quá 45 ngày
Điều 4 Thông tư 59 quy định, thời hạn hàng hóa kinh doanh TN-TX được phép lưu giữ tại Việt Nam không quá 45 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục TN. Trường hợp cần kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam, thương nhân có văn bản đề nghị gửi chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục TN hàng hóa, việc gia hạn được thực hiện 1 lần và không quá 15 ngày.
Quá thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam thương nhân chỉ được TX qua cửa khẩu TN trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam. Hàng sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định nếu không TX.
Thông tư 59 cũng quy định, hàng hóa TN-TX phải lưu giữ trong khu vực cửa khẩu, khu vực cảng nội địa (ICD) hoặc kho ngoại quan thuộc khu vực cửa khẩu TN hoặc cửa khẩu TX (đối với trường hợp đã hoàn thành thủ tục TX).
Riêng hàng hóa là thực phẩm đông lạnh kinh doanh TN-TX đã hoàn thành thủ tục TN được phép lưu giữ tại các khu vực kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan của chính thương nhân, đã được Bộ Công thương cấp mã số kinh doanh TN-TX.
Quy định cho phép hàng hóa TN có thể được chia thành nhiều lô hàng để TX, không cho phép chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu TN đến khu vực giám sát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu TX.
Tuy nhiên, Thông tư 59 cũng tạo lối mở cho doanh nghiệp làm ăn chân chính: Thương nhân được phép thay đổi hoặc chia nhỏ container nếu hàng hóa, phương tiện đáp ứng các điều kiện về địa điểm lưu giữ; container hoặc phương tiện vận tải hàng hóa phải đảm bảo điều kiện niêm phong giám sát hải quan; hàng hóa trong thời gian chuyển sang container hoặc phương tiện vận tải khác phải chịu sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan.
Theo dõi chặt hồ sơ TN-TX
Bên cạnh việc thực hiện giám sát hải quan theo hướng dẫn tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC và Thông tư số 196/2012/TT-BTC, Thông tư 59 còn bổ sung một số quy định về hồ sơ hàng TN-TX.
Theo đó, khi làm thủ tục TN ngoài những chứng từ như đối với hàng NK thương mại, thương nhân phải nộp vận đơn đích danh (ghi rõ tên người nhận hàng) và không được chuyển nhượng, có ghi số giấy phép hoặc số giấy chứng nhận mã số kinh doanh TN-TX do Bộ Công thương cấp (1 bản sao); Giấy phép (bản chính) và giấy chứng nhận mã số kinh doanh TN-TX của Bộ Công thương (1 bản sao, có xuất trình bản chính).
Điểm quan trọng nữa là việc đề cao vai trò trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng hải quan: Kể từ khi nhận được thông tin hàng hóa TN-TX chuyển cửa khẩu theo fax biên bản bàn giao hoặc bảng thống kê biên bản bàn giao hàng hóa của hải quan cửa khẩu TN, chi cục hải quan cửa khẩu TX có trách nhiệm theo dõi thông tin các lô hàng vận chuyển đến cửa khẩu xuất theo biên bản bàn giao hoặc bảng thống kê Biên bản bàn giao.