Từ kết quả thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) quý I/2013, đã phản ánh khá rõ tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay, tạo sức ép lớn đến hoạt động thu năm 2013. Theo nhận định của Bộ Tài chính, qua khảo sát tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty và địa phương trọng điểm thu cho thấy, khả năng giảm thu năm 2013 là khá lớn. Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, qua đó quyết liệt phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN.
Tháo gỡ “tắc nghẽn” thị trường
Đối với các dự án thuộc danh mục đầu tư từ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011- 2015, đã có quyết định đầu tư và có khả năng hoàn thành trong năm 2013 và 2014, tùy theo tính chất của dự án có thể xem xét ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thức sử dụng, nhưng cũng rất hạn chế và phải kiểm soát chặt chẽ.
Một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính tập trung triển khai hiện nay đó là thực hiện nhanh, đồng bộ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, các biện pháp về vốn tín dụng và lãi suất cho vay... theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN); qua đó, tập trung điều hành giảm lãi suất tín dụng ngay trong đầu tháng 4/2013. Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn…
Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất việc giảm thuế có thời hạn hoặc tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với những hàng hóa, dịch vụ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cũng như tăng cường kiểm tra, thực hiện các quy định về thủ tục xuất khẩu tại các địa phương, các cửa khẩu; có biện pháp, có chế tài khắc phục cạnh tranh xuất khẩu giữa các DN trong nước.
Biện pháp trọng tâm tiếp theo được Bộ Tài chính nhấn mạnh là tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu; tăng cường công tác quản lý thu NSNN, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Cụ thể, các cơ chế chính sách thu theo hướng vừa khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vừa động viên hợp lý nguồn thu.
Tiếp tục điều hành giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và lộ trình đã đề ra, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Trên cơ sở đó, thực hiện điều chỉnh kịp thời thuế xuất thuế nhập khẩu xăng dầu theo diễn biến thị trường, ưu tiên giữ thuế nhập khẩu để đảm bảo thu ngân sách, hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới.
Trong quản lý thu, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế của DN; đôn đốc thu nộp đối với số thu được gia hạn đến hạn phải nộp. Kiểm tra chặt chẽ công tác hoàn thuế, thanh tra hoàn thuế GTGT (nhất là các trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ 3 tháng liên tục)…
Đẩy mạnh tiết kiệm chi
Đây là giải pháp được Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt và sát sao, đồng thời với các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN.
Trong năm, sẽ hạn chế tối đa việc ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng NS thực hiện rà soát các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán. Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện tiết kiệm chi thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2012.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến quý IV/2013 nếu tình hình ngân sách khả quan sẽ tiếp tục thực hiện chi theo dự toán; trường hợp khó khăn thì thực hiện cắt giảm, trong đó số tiết kiệm của địa phương chuyển về dự phòng ngân sách trung ương để cân đối chung; số tiết kiệm của địa phương để bù đắp giảm thu hoặc tăng chi cho các nhiệm vụ an sinh xã hội ở địa phương.
Căn cứ vào khả năng thu, các địa phương tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương (NSĐP) chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc: Trường hợp thu NSĐP có khả năng đạt và vượt so với dự toán, thì chỉ bố trí tăng chi cho một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh (thiên tai, dịch bệnh) dự phòng NSĐP không đủ để xử lý.
Trường hợp thu NSĐP giảm so với dự toán, cần rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên. Trường hợp vẫn không bù đắp được số giảm thu, địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của mình (kết dư NSĐP năm 2012, tăng thu NSĐP năm 2012, quỹ dự trữ tài chính…) để đảm bảo cân đối NSĐP.