Bước tiến dài…về thể chế
Có thể nói, năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ-Hậu kiểm) đã có bước tiến dài, thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế hoạt động.
Trong năm, Cục Kiểm tra sau thông quan đã chủ trì xây dựng đề án “Tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020” được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định 1202/QĐ-BTC ngày 24/5/2013.
Cục KTSTQ đã hoàn thành xây dựng các nội dung về KTSTQ và doanh nghiệp (DN) ưu tiên tại Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Trình Tổng cục Hải quan các nội dung về KTSTQ tại Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi.
Hoàn thành xây dựng quy trình nghiệp vụ KTSTQ mới (được ban hành kèm theo Quyết định số 3550/QĐ-TCHQ ngày 01/11/2013), phù hợp với thay đổi của chính sách và thực tế hoạt động của DN.
Bên cạnh thành quả trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, năm qua, đơn vị đã hướng dẫn, tham mưu chỉ đạo các cục hải quan triển khai thực hiện chuyên đề kiểm tra 14 đầu mối kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu, đã thu vào ngân sách 428,68 tỷ đồng.
Thực hiện chuyên đề kiểm tra hoạt động khoáng sản xuất khẩu, đã kiểm tra 15 doanh nghiệp, thu 8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2014 tiếp tục kiểm tra 42 DN...
Tăng cường kiểm tra DN có độ rủi ro cao
Năm 2013, lực lượng KTSTQ, đã chủ động, quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các chuyên đề KTSTQ đối với các loại hình, mặt hàng trọng điểm (chuyên đề kiểm tra các đầu mối kinh doanh tạm nhập - tái xuất xăng, dầu; khoáng sản xuất khẩu…); Các lĩnh vực, mặt hàng có rủi ro cao (trị giá thiết bị điện tử, điện lạnh; mã số, thuế suất mặt hàng linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, hàng mỹ phẩm, dược phẩm; hàng dệt may gia công, sản xuất xuất khẩu; các dự án ưu đãi đầu tư...).
Theo Cục trưởng Cục KTSTQ Dương Phú Đông, công tác KTSTQ đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN, ngăn chặn kịp thời các trường hợp sai phạm, đồng thời đã thực hiện thu tiền thuế thiếu, tiền phạt cho ngân sách nhà nước. Công tác KTSTQ được thực hiện khá hiệu quả, tỷ lệ số thực thu vào ngân sách nhà nước/tổng số quyết định ấn định đạt 86%, cao hơn năm 2012 (64,19%).
Đề cập đến mục tiêu năm 2014, ông Dương Phú Đông cho hay, đơn vị sẽ bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Hải quan đẩy mạnh áp dụng chương trình DN ưu tiên; tập trung nguồn lực nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí phân loại rủi ro đối với hồ sơ hải quan điện tử.
Cũng theo ông Đông, năm 2014, lực lượng KTSTQ tiếp tục đẩy mạnh các chuyên đề kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của DN, kịp thời truy thu thuế về cho ngân sách nhà nước. Nghiên cứu tạo đột phá trong công tác KTSTQ trong đó chú trọng về KTSTQ đối với những lĩnh vực còn hạn chế, loại hình có rủi ro lớn như trị giá, tạm nhập tái xuất, khu kinh tế thương mại, xuất xứ hàng hóa... Tập trung KTSTQ DN có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm như hoạt động xuất khẩu khoáng sản, xuất nhập khẩu xăng dầu, góp phần ngăn chặn kịp thời các trường hợp sai phạm, gian lận, trốn thuế gây thất thu ngân sách.
- Năm 2013, lực lượng KTSTQ toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra 2.430 cuộc, ra quyết định ấn định và truy thu đạt 1.643,7 tỷ đồng; số thực thu nộp ngân sách đạt 1.407 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2012.
- Riêng Cục KTSTQ đã thực hiện kiểm tra 58 cuộc, ra quyết định truy thu 588,75 tỷ đồng, gấp 2,54 lần so với cùng kỳ, đã thu nộp ngân sách 339,75 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2012.
|