Ngày 22/8, hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: đơn giản hóa thủ tục hải quan” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, thuế, hải quan và đông đảo các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều đánh giá cao tính ưu việt của hệ thống VNACCS/VCIS mà ngành Hải quan triển khai trong vài tháng qua, góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì các khâu thủ tục hải quan đa số được giải quyết nhanh hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cũng đã bày tỏ không ít bức xúc liên quan đến sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ ngành. Vì nếu chỉ mỗi mình cơ quan hải quan áp dụng kê khai thủ tục hải quan điện tử mà các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác chưa thể liên thông với nhau thì không thể nói là “một cửa” được.
Đã nói là áp dụng thủ tục hải quan điện tử thì phải kết nối trực tuyến từ thủ tục kê khai hải quan đến việc cấp phép điện tử của các cơ quan chuyên ngành khác… mới rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Nếu các cơ quan chuyên ngành khác liên quan tới các khâu cấp C/O, chuyển tiền nộp thuế qua ngân hàng - kho bạc hay kiểm định, kiểm dịch, khoa học công nghệ, y tế, … mà không kết nối trực tuyến thì tiến trình cải cách thủ tục, hiện đại hóa hải quan sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Và như thế, chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao, doanh nghiệp XNK vẫn sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, hàng hóa bị ách tắc ở cảng như trong thời gian qua là lẽ đương nhiên.
Theo bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, qua thực tế đi khảo sát tại một số doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương của các thành viên tư vấn cho dự án của USAID, hầu hết các doanh nghiệp XNK đều kêu ca thủ tục xin giấy tờ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan đến các bộ, ngành khác còn rất nhiều khó khăn và chi phí cao.
Ở một góc độ khác, số liệu của USAID trình bày tại hội thảo chỉ ra rằng, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời gian XNK từ 21 ngày xuống còn tương ứng 14-13 ngày, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP và việc làm. Theo đó, nếu cứ cắt giảm được thời gian “thương mại qua biên giới” 1 ngày sẽ tiết kiệm được số tiền trung bình là 1,6 tỷ USD.
Vậy nếu trong thời gian tới như mục tiêu đề ra, Việt Nam cắt giảm được 6-7 ngày như mức bình quân của một số nước trong khu vực (ASEAN-6) thì con số tiết kiệm cho nền kinh tế ước tính lên đến 10 tỷ USD, tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 1,7 triệu việc làm mới,…