Áp lực gần 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành
Tại hội thảo đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), được tổ chức hôm qua 17/8, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Ngô Minh Hải dẫn chứng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến KTCN quá nhiều nhưng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế và thông lệ của quốc tế.
Hiện có 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, gồm 19 Luật, pháp lệnh; 54 nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 186 thông tư, quyết định của các bộ, ngành.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã lạc hậu nhưng chưa được điều chỉnh. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp một mặt hàng phải áp dụng nhiều chính sách quản lý, đồng thời thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành…, khiến cho DN gặp khó để hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa; cơ quan hải quan chịu tiếng gây phiền hà.
Tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia USAID-GIG cũng nhận xét, các bộ, ngành đã có chuyển động cải cách theo Nghị quyết 19/NQ-CP, tuy nhiên, kết quả ghi nhận được là khá hạn chế. Các cơ quan bộ ngành cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu cải cách theo kịp chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-CP.
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng Khu vực I, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành so với tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2014 là 42,2%, 6 tháng đầu năm 2015 là 44,56% (tăng 2,36% so với 2014). Trong số các lô hàng phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, riêng các lô hàng phải kiểm dịch năm 2014 chiếm 73,25% và 6 tháng đầu năm 2015 chiếm 69,6%.
Tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tỷ lệ các lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành là 30 – 35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Số lượng lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh, bằng 78% đối với hàng xuất khẩu, 80% đối với hàng nhập khẩu so với cả năm 2014. Tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng và 4 địa phương lân cận), số lượng hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại chi cục năm 2014 là 34.563 hồ sơ, 7 tháng đầu năm 2015 là 21.959 hồ sơ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Nên tích cực áp dụng quản lý rủi ro
Tại hội nghị, các ý kiến từ phía DN đều cho rằng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp, chồng chéo, có thể loại bỏ rất nhiều. Bà Đặng Phương Dung, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam có ý kiến, quy định KTCN nhiều khi chồng chéo nhau, không thống nhất gây lúng túng cho người thực hiện.
Ví dụ có sự khác nhau về danh mục hàng dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt giữa Thông tư 32/2009/TT-BCT ngày 5/11/2009 của Bộ Công thương quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may, và Quyết định 11039/QĐ-BCT ngày 3/12/2014 công bố Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, doanh nghiệp không biết thực hiện theo văn bản nào.
Bên cạnh đó, DN phải chịu nhiều áp lực về KTCN, khi cùng một mặt hàng, mã hàng lô hàng nào cũng phải kiểm tra đi, kiểm tra lại, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN. “Trên thực tế nhiều mặt hàng, mã hàng XNK thường xuyên trong vòng vài năm DN không để xảy ra sai sót, song vẫn phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành cho từng đơn hàng. Chi phí thời gian đi lại, chi phí lưu kho rất lớn. Nên chăng cơ quan quản lý áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, kiểm tra xác xuất đối với DN, để giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính…”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cũng dẫn chứng sự rườm rà của thủ tục, DN thủy sản đang chịu sự kiểm tra kép của KTCN. Cơ sở sản xuất thủy sản được chứng nhận KTCN, trong khi đó mỗi lô hàng cho đến từng loại mã hàng, mặt hàng khi xuất khẩu lại thêm một lần nữa phải được chứng nhận KTCN.
“Hiệp hội Thủy sản Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên bộ chủ quản và đã được bộ này tiếp thu. Tuy nhiên, đến nay, chưa được điều chỉnh, giải quyết cụ thể bằng văn bản…”, ông Nguyễn Hoài Nam phát biểu.
Ghi nhận ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế, đại diện DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho hay, Tổng cục Hải quan sẽ cùng các bộ, ngành hoàn thiện Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.
Đề án được xây dựng và hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi cho DN, phù hợp với các cam kết quốc tế. Phấn đấu đạt mục tiêu theo Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra đạt ASEAN 6 vào cuối năm 2015. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa từ 30 ngày xuống còn 13, 14 ngày…/.