Kết quả thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá đã thu được kết quả tốt, thực hiện truy thu thuế và tiền phạt với số lượng lớn vào ngân sách nhà nước.
Thu nộp đủ vào ngân sách nhà nước
Bên cạnh những DN chấp hành đúng, tốt pháp luật, chính sách thuế, thì vẫn còn nhiều DN kinh doanh ngày càng mở rộng nhưng liên tục kê khai lỗ hoặc không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp.
Cục Thuế Vĩnh Phúc đã triển khai, đôn đốc và kiểm soát tình hình kê khai thông tin các giao dịch liên kết của các DN có giao dịch liên kết theo quy định, qua đó đã phát hiện ra nhiều hình thức chuyển giá. Nổi bật lên ở khối doanh nghiệp (DN) thuộc ngành dệt may, da giày, sản xuất, bao bì,… có các giao dịch liên kết như công ty mẹ, công ty con hoặc lãnh đạo công ty có quan hệ đồng sở hữu vốn với DN ở nước ngoài, liên tục kê khai lỗ hoặc không có phát sinh thuế TNDN phải nộp, nhưng thường xuyên đầu tư mở rộng sản xuất.
|
|
 |
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai, đôn đốc và kiểm soát tình hình kê khai thông tin các giao dịch liên kết của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định, nổi bật là các DN thuộc ngành dệt may, da giày, sản xuất, bao bì... truy thu vào vào ngân sách hàng chục tỷ đồng. |
 |
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng
|
|
|
Theo báo cáo tài chính năm 2014 của 71 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN tỉnh Vĩnh Phúc có 44 doanh nghiệp có lãi, 27 doanh nghiệp hoạt động thua lỗ trong năm 2014.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra thuế số 1, Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, triển khai chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra gắn với thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, cục thuế đã tiến hành phân tích đánh giá rủi ro, lựa chọn đối tượng thanh tra để xây dựng kế hoạch thanh tra, trong đó tập trung vào các DN có quy mô lớn, DN thua lỗ kéo dài, đặc biệt là các DN có tư cách pháp nhân độc lập nhưng do cùng một số người bỏ vốn đầu tư, các DN FDI…
Đơn cử, năm 2012, Cục Thuế thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng đối với Công ty TNHH STC& Apparel là DN có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, thời kỳ kiểm tra từ năm 2008 đến 2011. Bằng phương pháp xác định giá thị trường, đoàn kiểm tra đã kiên trì đấu tranh với DN, sử dụng phương pháp so sánh tốc độ tăng đơn giá gia công với tốc độ tăng giá thành đơn vị sản phẩm qua các năm.
Kết quả, công ty đã chấp nhận giảm lỗ (từ năm 2008 -2012) là 33,4 tỷ đồng; tăng thu nhập chịu thuế là 16 tỷ đồng, do DN đang trong thời gian miễn giảm thuế nên số thuế TNDN truy thu và phạt là 205 triệu đồng.
Vào năm 2013, Cục Thuế Vĩnh Phúc triển khai thanh tra giá chuyển nhượng đối với Công ty TNHH Vinakorea có ngành nghề doanh thực tế là gia công may mặc. Qua phân tích đấu tranh, Công ty TNHH Vinakorea đã thừa nhận có kê khai thông tin giao dịch liên kết và mặc dù đang trong thời gian miễn giảm thuế TNDN nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 147,4 tỷ đồng; truy thu thuế TNDN và phạt với số tiền là 11,3 tỷ đồng; giảm lỗ không được chuyển vào các năm sau khi quyết toán thuế TNDN là 2,7 tỷ đồng.
Bài học kinh nghiệm
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, hành vi chuyển giá có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, phức tạp, không chỉ xảy ra trong các nghiệp vụ mua vào, bán ra của các công ty có liên kết mà còn xảy ra trong các nghiệp vụ tài chính khác; xảy ra cả DN FDI và các DN trong nước, các DN có cùng tổng công ty, công ty hoặc công ty độc lập nhưng chủ sở hữu có mối quan hệ đặc biệt…
Chính vì vậy, công tác cập nhật lưu trữ đầy đủ thông tin các DN là hết sức quan trọng. Ông Dũng cho rằng, chỉ có đầy đủ thông tin mới xác định được giá chuyển giao. Qua đó cần coi trọng công tác kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế để phân loại các DN, xác định các DN có dấu hiệu bất thường đưa vào diện theo dõi phân tích rủi ro chuyên sâu.
Hơn thế nữa, để có đầy đủ cơ sở phân tích đánh giá rủi ro từ đó xác định dấu hiệu chuyển giá, qua thực tế tại tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, nếu chỉ phân tích tài chính DN một năm chuyên biệt thì khó có thể phát hiện dấu hiệu có hành vi chuyển giá mà cần phân tích đánh giá rủi ro theo chuỗi thời gian tối thiểu là 5 năm. Ngoài ra còn cần thu thập tham khảo các thông tin liên quan như thông tin các đơn vị cùng ngành nghề, thông tin trong và ngoài nước…
Ông Dũng cũng cho rằng, để thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá một cách hiệu quả thì các cục thuế cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Thuế, phối hợp chặt chẽ với tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá từ khâu phân tích, thu thập thông tin, phương án xác định giá thị trường, phương án xây dựng tỷ suất, giá so sánh phù hợp, tin cậy; đồng thời có các biện pháp chủ động lắng nghe người nộp thuế, kịp thời động viên, thuyết phục, tuyên truyền, công khai trên cơ sở pháp luật để DN chấp nhận và thực hiện, tránh hiện tượng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, dẫn đến thanh tra kém hiệu quả./.