Thông tư do Bộ Tài chính soạn thảo, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm hưu trí cho cá nhân hoặc một nhóm người lao động, cung cấp khoản thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.
Cơ hội để người lao động được bảo vệ
Dự thảo được coi là cạnh tranh và mở rộng hơn về đối tượng tham gia, quyền lợi bảo hiểm cũng như cách thức chi trả. Dự thảo quy định người tham gia bảo hiểm hoàn toàn chủ động về mức phí, thời gian đóng phí và cách thức nhận "lương hưu” như chi trả theo tháng, quý hoặc năm.
Bên cạnh đó, số tiền được lĩnh cũng có thể được điều chỉnh tăng dần tùy theo cam kết giữa người tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Thời gian người tham gia BHHTTN được nhận "lương hưu" sẽ không ít hơn 15 năm.
Đặc biệt trong thời gian này, nếu người tham gia bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thì người thụ hưởng sẽ nhận số tiền còn lại của bảo hiểm hưu trí. Trong khi đó, đối với chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc, thời gian được nhận bảo hiểm sẽ kết thúc khi người tham gia bảo hiểm tử vong.
Ở mức độ cao hơn, nếu người tham gia bảo hiểm có đủ điều kiện kinh tế và có nhu cầu có thể tham gia thêm các quyền lợi bổ trợ như: trợ cấp mai táng, bảo hiểm tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tăng mức chi trả hưu trí định kỳ theo chỉ số giá sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nằm viện, bảo hiểm cho người phụ thuộc…
Theo đại diện của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì người dân có thể hoàn toàn tin tưởng vào tính minh bạch và độ tin cậy của quỹ BHHTTN.
Doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc
Hầu hết các chuyên gia đến đều cho rằng, đây là thời điểm tốt để triển khai BHHTTN bởi những yếu tố thuận lợi như: dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng (50 triệu người trong độ tuổi lao động), nhu cầu chi tiêu ngày một cao của người dân khi đến tuổi nghỉ hưu, …và các DNBH sẽ sẵn sàng triển khai sản phẩm này.
Đại diện một DNBH nhân thọ hàng đầu chia sẻ điểm mấu chốt nhất chính là cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và sự sẵn sàng của các DNBH nhân thọ điều này đã có đầy đủ. Đặc biệt, để khuyến khích bảo hiểm hưu trí tự nguyện, Nhà nước dự định sẽ ưu đãi về thuế, người lao động sẽ được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản đóng góp vào quỹ BHHTTN.
Đối với chủ lao động mua BHHTTN cho người lao động, phần phí đóng góp sẽ được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để đảm bảo độ an toàn cao cho quỹ BHHTTN, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ danh mục các DNBH không được đầu tư bao gồm: cổ phiếu của các công ty chứng khoán, đầu tư trực tiếp vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại, đá quý.
Bên cạnh đó, chỉ những DNBH nào có năng lực tài chính vững mạnh (vốn pháp định 1.000 tỉ đồng, biên khả năng thanh toán tối thiểu trên 300 tỉ đồng), đáp ứng được các điều kiện về công nghệ thông tin, kinh nghiệm triển khai và quản trị điều hành mới được triển khai sản phẩm này. Ngoài ra, để tạo nên quỹ, DNBH phải đóng góp vào quỹ ít nhất 200 tỷ đồng và không được rút số tiền này ra khỏi quỹ.
Trên thị trường hiện nay có 15 DNBH nhân thọ, phần lớn trong số này là các công ty đa quốc gia đầy kinh nghiệm. Các công ty này đã có thời gian dài nghiên cứu và khảo sát thị trường Việt Nam vì vậy việc triển khai BHHTTN được kỳ vọng sẽ đạt được kết quả khả quan./.