Nhiều kiểu luồn lách
Tình trạng này có thể ví như là “căn bệnh kinh niên” dai dẳng từ nhiều năm nay. Theo nhận định của Chính phủ, mặc dù số nợ, chậm đóng BHXH năm 2012 có giảm, nhưng chưa đáng kể, chủ yếu là do hạn chế trong sự quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm.
Điều đáng nói là tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng đối tượng thụ hưởng, cùng với đó là tốc độ tăng chi cao hơn tăng thu. Đơn cử, tổng thu BHXH năm 2012 khoảng 97.799 tỷ đồng, nhưng tổng chi lên tới khoảng 99.949 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH bằng cách ký hợp đồng lao động sai quy định hoặc không ký hợp đồng lao động, thậm chí chiếm dụng Quỹ BHXH. Tình trạng làm giả, mua bán, cấp không đúng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện có chiều hướng gia tăng. Nhiều người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. …
Thực tế hiện nay, số người tham gia BHXH đã tăng dần theo từng năm, nhưng việc quản lý chưa quy củ dẫn đến tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí. Với mức xử phạt còn thấp, không công bằng, không có tính răn đe vì theo quy định của Luật BHXH, mức phạt chậm đóng bằng lãi suất đầu tư quỹ trong năm nên rất nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn phạt tiền chậm đóng để huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, cơ quan quản lý lại thiếu nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu sự phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Phương án giảm áp lực cho Ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước (NSNN) phải bố trí tăng nhiều khoản chi lớn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội và các khoản chi cần thiết khác, nên trong những năm sắp tới, việc phải cân đối 22.090 tỷ đồng để chuyển vào Quỹ BHXH gặp rất nhiều khó khăn.
Việc chuyển số kinh phí này là theo quy định của Luật BHXH, để đóng BHXH đối với người lao động có thời gian làm việc trước ngày 1/1/1995 được thực hiện hàng năm.
Ngay từ tháng 1/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc NSNN chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH bắt buộc để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH… Tại văn bản này, Bộ Tài chính đã báo cáo cụ thể các chỉ tiêu làm căn cứ xác định số tiền NSNN phải chuyển vào quỹ BHXH bắt buộc.
Mặc dù vậy, để giảm bớt khó khăn, áp lực cho NSNN, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án: Nhà nước xác nhận số tiền 22.090 tỷ đồng (tiền gốc) phải chuyển vào Quỹ BHXH.
NSNN thực hiện trả lãi đối với số tiền gốc chưa chuyển kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có quyết định xác nhận số tiền gốc nêu trên (tiền lãi tính theo lãi suất trái phiếu chính phủ cùng thời điểm); còn việc chuyển tiền gốc vào Quỹ BHXH được thực hiện vào thời điểm thích hợp, tùy thuộc khả năng NSNN.
Được biết, phương án của Bộ Tài chính đã được Chính phủ chấp thuận và giao Bộ Tài chính hoàn thiện nội dung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi triển khai thực hiện.
Để giải quyết những bất cập từ quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, mục tiêu của Chính phủ trong năm 2013 là xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất hợp lý trong chính sách hiện hành.
Định hướng cải cách chính sách BHXH trong thời gian tới là sẽ điều chỉnh mối quan hệ đóng hưởng, thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, quy định thêm hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH: Tổng số tiền sinh lời thu được trong năm 2012 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, tăng 3.622 tỷ đồng (25%) so với năm 2011. Số tiền sinh lời dự kiến phân bổ vào Quỹ BHXH bắt buộc khoảng 12.943 tỷ đồng, Quỹ BHXH Tự nguyện khoảng 45 tỷ đồng, Quỹ BH Thất nghiệp khoảng 1.200 tỷ đồng, số còn lại phân bổ vào Quỹ Bảo hiểm Y tế, trích chi phí quản lý bộ máy và chi đầu tư xây dựng cơ bản. |