Ngân hàng dồn dập cung vàng
Tính đến ngày 18/4/2013, NHNN đã liên tiếp thực hiện 9 phiên đấu thầu vàng, phần thắng như giới chuyên gia nhận định luôn luôn nghiêng về phía NHNN, hàng trăm tỷ đồng lãi đã được thu về chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Như vậy, tính từ cuối tháng 3/2013 đến 17/4/2013, NHNN “bơm” ra thị trường 223.600 lượng (tương đương 8,6 tấn vàng). Nếu tính cả gần 1,5 tấn được NHNN chào bán trong phiên thứ 9 (ngày 18/4) thì đến thời điểm hiện tại NHNN đã cung ra thị trường hơn 10 tấn vàng. Với tần suất đấu thầu vàng liên tiếp như hiện nay, có thể thấy rằng, thị trường vẫn cần một lượng vàng “khổng lồ”.
Nguồn tin từ NHNN cho hay, để phục vụ cho các phiên đấu thầu, NHNN đã dập khoảng 10 tấn vàng và hiện tại chưa yêu cầu SJC gia công thêm. NHNN đã tính đến phương án nhập vàng bù vào dự trữ ngoại hối và cân nhắc để việc nhập vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá.
Giới chuyên gia nhận định, những nỗ lực của NHNN thời gian qua cơ bản đã đúng hướng, song việc rút ngắn khoảng cách giữa giá “nội” và “ngoại” trong thời điểm hiện tại vẫn là xa vời, bởi do chưa hút được nguồn lực khổng lồ (khoảng 1.000 tấn vàng) trong dân và giá vàng trong nước vẫn vênh với thế giới quanh ngưỡng 6 - 7 triệu đồng/lượng.
Được biết, ngay sau khi phiên đấu thầu thứ 6 kết thúc, đại diện lãnh đạo NHNN đã thừa nhận việc giá vàng thế giới biến động mạnh đang là khó khăn không nhỏ đối với NHNN trong việc thực hiện mục tiêu ổn định thị trường. Tuy nhiên, NHNN cũng lưu ý mức giá đấu thầu đưa ra là căn cứ vào giá giao dịch có thực của thị trường chứ không chạy theo giá thế giới.
Trong thông cáo phát đi hôm 12/4, NHNN cũng đã nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường thế giới biến động phức tạp, khó lường, các phiên đấu thầu đã giúp tăng cung, và giảm áp lực mua trên thị trường. Thời gian tới, NHNN sẽ liên tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng đủ lớn nhằm bình ổn thị trường vàng.
Thị trường sẽ dần vắng giới đầu cơ?
Có thể nói, qua 9 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã thể hiện được sự trách nhiệm trong việc bảo toàn dự trữ ngoại hối quốc gia và đương nhiên “cuộc chiến” nào cũng vậy, phải có “kẻ” thắng “người” thua.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện một đơn vị kinh doanh vàng cho rằng: Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường vàng thực chất và cạnh tranh đúng nghĩa, bởi trong khi giá thế giới giảm mạnh, giá trong nước vẫn neo ở mức cao, phải chăng là do nguồn vàng độc quyền, nên thị trường mới không phản ánh đúng bản chất? Tham gia đấu thầu cũng chết mà không đấu thầu cũng chết, rủi ro là rất lớn nhưng nếu không tham gia đấu thầu thì không thể hoạt động kinh doanh”.
Vàng dường như không còn là nơi trú ẩn an toàn như kỳ vọng trước đây. Ảnh: T.L
Thực vậy, có thời điểm chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng thế giới giảm 200 USD/ounce khiến cho giá vàng trong nước chênh lệch hơn 6 triệu đồng/lượng. Một số doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh, mua vàng để tất toán tài khoản dự tính đã bị thua thiệt hàng tỷ đồng. Có những lúc, người mua và người bán dường như mất phương hướng trong lựa chọn các quyết định nắm giữ, mua vào hay bán ra.
Minh chứng rõ nhất là thời điểm phiên đấu thầu thứ 6 (ngày 16/4) dù các điểm kinh doanh vàng thương hiệu SJC điều chỉnh giá về mức trên 38 - 39,6 triệu đồng/lượng nhưng khác với trước đây mỗi khi giá vàng trong nước giảm mạnh, lực mua vàng vật chất cũng như vàng ảo tại một số sàn vàng tăng vọt.
Người dân có lúc còn xếp hàng mua vàng miếng để đút két hoặc/và đầu cơ bán ra kiếm lời, còn nay thì cả người mua lẫn người bán đều lưỡng lự, bán cũng sợ, cầm vàng cũng không yên.
Trước diễn biến lạ của giá vàng, người dân lo ngại giá sẽ giảm sâu hơn nữa do giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới hơn 6 triệu đồng/lượng, trong khi đó kênh đầu tư hấp dẫn này lại đang “tuột dốc không phanh”.
Chỉ tính trong 4 phiên giao dịch gần nhất, mỗi lượng vàng cũng đã “bốc hơi” mất khoảng 4 triệu đồng. Chưa kể, chiến lược bình ổn thị trường vàng của NHNN sẽ còn tác động đến giá cả mặt hàng này trong những phiên đấu thầu tiếp theo.
Giới phân tích cho rằng, vàng dường như không còn là nơi trú ẩn an toàn và kênh đầu tư thay thế cho các loại tiền tệ như kỳ vọng trước đây. Nhất là khi giá vàng trong nước không chỉ chịu tác động từ giá vàng thế giới mà còn rất nhiều yếu tố khác như cung - cầu, các động thái từ phía NHNN, đặc biệt là chủ trương tiếp tục tăng cung vào thị trường, chứ không ưu tiên việc bình ổn giá.