Dịch vụ giữ hộ vàng sôi động
Giữ hộ vàng có thu phí đã được các ngân hàng triển khai cách đây một năm. Tuy nhiên, sau thời hạn 30/6/2013, chấm dứt việc huy động và cho vay vàng, thì dịch vụ này sôi động hơn.
|
Nhiều ngân hàng chỉ nhận giữ hộ vàng SJC. Ảnh: PV
|
Chỉ cần lướt qua các website của các ngân hàng sẽ thấy những lời chào mời hấp dẫn cho dịch vụ giữ hộ vàng. Mức phí mà các ngân hàng đưa ra nhìn chung là thấp, thậm chí có ngân hàng còn được hưởng lãi suất theo kỳ hạn.
Tại Ngân hàng Phương Đông, phí kiểm định và giữ hộ vàng là 0,01%/ tháng. Ngân hàng Đông Á là 0,005%/trị giá vàng gửi giữ hộ (tối thiểu 2000 đồng, tối đa 100.000 đồng).
Eximbank thu phí giữ vàng đối với thời hạn 1-2 tháng là 5.000 đồng/lượng/tháng; thời hạn 3-12 tháng là 4000 đồng/lượng/tháng; riêng với số lượng từ 50 cây vàng trở lên mức phí là 3000 đồng/lượng/tháng.
Tienphong bank - một ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép kinh doanh vàng bên cạnh mức phí giữ hộ vàng thấp đã đưa ra nhiều chính sách linh động như: miễn phí chuyển đổi vàng miếng SJC và vàng nhẫn Doji; gửi một nơi, rút được tại bất cứ điểm giao dịch nào của Tienphong bank trên toàn quốc…
Một số ngân hàng mức phí giữ hộ vàng gần như chỉ mang tính chất tượng trưng như ngân hàng Nam Á, phí giữ hộ vàng chỉ 1000 đồng trong cả thời gian từ khi khách gửi đến lúc rút chứ không tính theo tháng. Sacombank nếu gửi với số lượng lớn khách hàng còn được hưởng lợi tức trên số vàng cất hộ.
Ngân hàng đang “lách” quy định?
Không phải ngẫu nhiên mà sau ngày 30/6/2013, dịch vụ giữ hộ vàng mới trở nên sôi động như vậy. Khi không còn được phép huy động và cho vay vàng, các ngân hàng vẫn đang khéo léo tìm cách tiếp tục tham gia vào thị trường “béo bở” này.
Thế nên, cách thức mà các ngân hàng triển khai dịch vụ giữ hộ vàng còn nhiều điều đáng bàn. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng chỉ nhận giữ hộ vàng SJC. Trên hợp đồng giữ hộ vàng của các ngân hàng vẫn có nhiều điều khoản lập lờ như: ngân hàng có trách nhiệm trả lại người gửi loại vàng đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng mà không quy định ngân hàng có trách nhiệm trả cho khách hàng đúng miếng vàng (qua seri) mà khách hàng gửi.
Với những điều khoản này, số vàng mà khách hàng gửi có thể sẽ được ngân hàng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Dịch vụ giữ hộ vàng mà NHNN quy định theo nguyên tắc không được sử dụng vốn vàng của người gửi vào mục đích kinh doanh nhằm chống vàng hóa trong các giao dịch.
Thế nhưng thực tế dịch vụ trông giữ vàng đang đi theo một chiều hướng khác, một kiểu “lách” luật của dịch vụ huy động vàng trước đây. Nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì thị trường vàng vẫn tiếp tục ẩn chứa những bất ổn.