|
|
 |
Thực ra có thể coi VAMC là một biện pháp sáng tạo của NHNN - một công cụ tài chính mà không có rủi ro gì cho VAMC
|
 |
 |
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
|
|
|
|
|
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã cho cuộc trao đổi với PV Thời báo Tài chính Việt Nam xung quanh vấn đề hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC):
* Được biết, VAMC sẽ xử lý nợ xấu bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) nhưng giá trị thực của TP này ra sao khi mà VAMC đứng ra bảo lãnh ?
- Đây là TPĐB bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) không thể chuyển nhượng nó trên thị trường như các giấy tờ có giá khác mà nó chỉ có thể đem đến ngân hàng trung ương để chiết khấu. Với mức vốn như hiện nay của VAMC thì TP này không có nhiều giá trị. Nếu các NHTM có đem bán ra thị trường thứ cấp thì cũng không ai dám mua, chính vì thế chỉ có thể đem đến NHNN để chiết khấu. Tỷ lệ chiết khấu là bao nhiêu thì cho đến giờ này cũng chưa ai biết. Chính vì thế đó được gọi là TPĐB.
Thêm một lý do nữa khiến TP này “đặc biệt” là khi cầm TP, mỗi năm các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro 20%. Thực ra gọi là trích lập dự phòng rủi ro là không đúng bởi TP đó theo ngân hàng trung ương là không có rủi ro, mà nên gọi trích lập dự phòng giảm giá, tức là mỗi năm giá trị TP đó sẽ giảm giá 20% và các NHTM phải trích lập dự phòng bù đắp, sau 5 năm giá trị TP đó sẽ bằng 0.
* Giá trị nợ xấu trên sổ sách mà VAMC mua sẽ được tính toán ra sao ?
- Việc xác định giá trị sổ sách của món nợ xấu khá đơn giản vì giá trị sổ sách của nợ xấu không thay đổi theo thời gian. Khoản nợ 100 tỷ đồng qua 4 – 5 năm vẫn là 100 tỷ đồng, nhưng cần trừ đi dự phòng rủi ro. Ví dụ dự phòng rủi ro là 10 tỷ đồng, thì khoản nợ 100 tỷ đồng sẽ còn 90 tỷ đồng, đó chính là giá trị sổ sách của món nợ còn tồn đọng và là giá trị mà VAMC sẽ mua bằng giá trị TPĐB trên danh nghĩa.
Điều khó khăn hiện nay là xác định món nợ mua theo giá thị trường. Với hoàn cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp thì món nợ đó có thể chịu chiết khấu tới 90%. Tại Mỹ, thậm chí các ngân hàng phải bán nợ xấu với chiết khấu lên tới 95%.
* VAMC có phải chịu rủi ro gì khì mua nợ xấu theo giá trị sổ sách không ?
- Thực ra có thể coi VAMC là một biện pháp sáng tạo của NHNN, một công cụ tài chính mà hoàn toàn không có rủi ro gì cho VAMC. Cái rủi ro là với chính các NHTM vì họ bán nợ đi, nhận về trái phiếu mà không biết sẽ được chiết khấu bao nhiêu trong khi đó vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, đối với VAMC, không có rủi ro nếu mua nợ theo giá trị sổ sách, chỉ có rủi ro nếu mua nợ theo giá trị thị trường.
* Theo ông có nên cho phép các tổ chức nước ngoài góp vốn vào VAMC để giải quyết nợ xấu hay không ?
- Chắc chắn đó là cách mà VAMC có thể tăng vốn để thực hiện sứ mệnh của mình. Hiện VAMC có hai cách để mua nợ xấu, cách thứ nhất là mua trên giá trị sổ sách bằng cách phát hành TPĐB. Cách thứ hai là thương thuyết để mua nợ xấu theo giá trị thực tế, lúc này sẽ không phát hành TPĐB mà mua bằng tiền thực, và phải có tỷ lệ chiết khấu giữa các NHTM và VAMC. Trong trường hợp đó, VAMC cần có vốn thực và nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một giải pháp hợp lý.
Bản thân VAMC không phải là định chế tài chính, không phải là ngân hàng và do đó không bị giới hạn bởi các quy định về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
* Thưa ông, theo các quy định hiện nay về mua nợ xấu của VAMC, có vẻ như các NHTM không mặn mà với việc bán?
- Với những quy định hiện tại của VAMC thì các ngân hàng dường như không có lợi khi bán nợ xấu cho VAMC. VAMC chỉ mua lại một số nợ, nợ đó phải ít nhất là 3 tỷ đồng, ít nhất 60% bảo đảm bằng bất động sản, người đi vay phải còn khả năng phục hồi… đó là những quy định quá chặt chẽ, đặc biệt là quy định phải có 60% tài sản bảo đảm bằng bất động sản.
Theo tôi, các quy định này cần phải được nới lỏng hơn. Chỉ khi đó thì mới khuyến khích các ngân hàng bán lại nợ xấu cho VAMC và VAMC mới phát huy tác dụng.
* Liệu VAMC có đạt được mục tiêu xử lý được 40 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay ?
- Đó là một quyết tâm chính trị, và một khi đã đặt ra quyết tâm chính trị thì phải thực hiện bằng được. Vấn đề giờ không phải là có thực hiện được hay không mà là phải tạo ra cho VAMC khả năng thực hiện điều đó.
* Xin cảm ơn ông.
* VAMC chỉ “mang tính tượng trưng” bởi nguồn vốn và sự đánh giá thực sự về nợ xấu lại chưa được thể hiện thỏa đáng (Đánh giá của HSBC).
* VAMC: Vốn điều lệ chỉ là 500 tỷ đồng, ít hơn 1% so với một nửa tổng số nợ xấu mà VAMC cần phải mua.
* Sự chậm trễ thực thi Thông tư 02 đồng nghĩa với việc VAMC sẽ không có đầy đủ thông tin để thực hiện công việc của mình.
|