Quản trị yếu kém
Phân tích của ông Cấn Văn Lực cho thấy, so với các chuẩn mực quốc tế, chỉ số QTCT của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp hơn rất nhiều và còn có quá nhiều điểm bất cập. Cụ thể như thành phần và cơ cấu HĐQT chưa phù hợp, quan hệ giữa HĐQT và ban điều hành đều có vấn đề. Vai trò của các ủy ban, hội đồng thuộc HĐQT không rõ ràng. Vấn đề chủ sở hữu và khung pháp lý sau cổ phần hóa, vai trò người đại diện sở hữu nhà nước tại công ty sau cổ phần hóa cũng tương tự.
Thậm chí, còn thiếu ngay cả những vấn đề cơ bản khác trong QTCT như tính công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng, hệ thống thông tin quản lý, vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Trong khi đó, cổ đông lại chưa thực sự quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm, quyền lợi của mình…
Khảo sát của Tổ chức tài chính IFC, diễn đàn QTCT và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về QTCT của 100 doanh nghiệp niêm yết lớn (năm 2011) cho thấy, bảng điểm về QTCT của các doanh nghiệp ở mức 42,5% (thang điểm 100%), giảm gần 2% so với năm 2010 (mức 44,7%). Trong đó, thấp nhất là 17,4% và cao nhất là 57,5%. Cao điểm nhất là “đối xử công bằng giữa các cổ đông – 57,8%” và thấp điểm nhất là “vai trò của các bên liên quan 22,7%”.
Đặc biệt, top 25 doanh nghiệp có QTCT tốt đạt hiệu quả lợi nhuận (ROE) bằng 17% so với 25 doanh nghiệp có QTCT tồi (ROE = 1,2%). Nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ Ủy viên HĐQT độc lập (22,5%) và Ủy viên không điều hành (69,2%) đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ này thấp hơn (tương đương là 20,2% và 61,7%).
Trước đó, kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp đánh giá thực hiện quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2005 của Đại học Đà Nẵng cũng đã cho thấy, mức điểm của từng nội dung (khuôn khổ pháp lý, quyền của cổ đông, đối xử công bằng, vai trò của các bên liên quan, tính minh bạch, trách nhiệm của HĐQT) của doanh nghiệp Việt Nam đều dưới ngưỡng trung bình.
Kết quả này chỉ ra rằng, rất nhiều nỗ lực cần được thực hiện nếu Việt Nam muốn thực sự hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế.
Tỷ lệ an toàn vốn rất mong manh
Hiện nay, các tổ chức tài chính của Việt Nam đóng vai trò chủ đạo, chiếm 90,7% thị phần tín dụng và 88,92% giá trị tài sản của toàn bộ hệ thống. Vốn điều lệ trung bình của một ngân hàng niêm yết ở Việt Nam (bao gồm Vietcombank và Vietinbank là những ngân hàng có tỷ lệ vốn nhà nước cao nhất) là khoảng 1 tỷ USD, thấp hơn so với các ngân hàng khác trong khu vực.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, các ngân hàng với số vốn tối thiểu trong khu vực châu Á có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cao hơn nhiều so với các ngân hàng ở Việt Nam gần 10%. Không có ngân hàng nào ở việt Nam có trong danh sách 50 ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất ở châu Á, theo số liệu thống kê của hiệp hội Ngân hàng châu Á.
Dữ liệu của Global Finance năm 2012 cũng cho thấy tương quan của hệ thống ngân hàng Việt Nam quá nhỏ so với tài sản của các ngân hàng lớn trên thế giới. 10 ngân hàng lớn nhất thế giới từ khoảng 2 nghìn tỷ USD tới 2.700 tỷ USD, trong khi đó giá trị tài sản trung bình của các ngân hàng thương mại Việt Nam lại chỉ có 5 tỷ USD (tương đương với 105 nghìn tỷ đồng).
Điều này cho thấy, sự cần thiết để mua và sáp nhập các ngân hàng thương mại Việt Nam có quy mô nhỏ thành những tổ chức tài chính lớn, mạnh hơn trong thời gian tới.
Thiếu tính độc lập vẫn là vấn đề cốt lõi. Ban kiểm soát và HĐQT được xác định là khu vực yếu nhất trong QTCT. Bài học từ Vinashin và Vinalines cho thấy rằng thời gian tới QTCT Việt Nam cần có một chiến lược bài bản và quản lý rủi ro tốt hơn. Đặc biệt là phải rõ ràng hơn trong phân công trách nhiệm, đảm bảo tính công bằng, tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp quản lý kém, đặc biệt là nhấn mạnh đến tính nghiêm khác đối với hành vi đạo đức…
8 bước xây dựng thành công QTCT:
1.Sử dụng quy trình tư vấn rộng rãi ban đầu
2.Xác định các mục tiêu của chỉ số
3.Lựa chọn cách tiếp cận chỉ số
4.Tạo tiêu chuẩn khác biệt với thực tiễn quản trị thông thường
5.Xây dựng quy trình đánh giá tin cậy và minh bạch
6.Tối đa hóa mức độ công bố thông tin
7.Giám sát hiệu quả tiêu chuẩn chỉ số
8.Phát triển chỉ số
(Nguồn: Ông Sameer Goyal, Điều phối viên Khu vực tài chính và tư nhân, The Worldbank Group, VietNam)
|