Khập khiễng giữa ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ
Tính đến cuối tháng 6/2013, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế ước khoảng 4,5%. Năm thứ hai liên tiếp hệ thống ngân hàng cho thấy một tốc độ chậm trong giải ngân. Riêng năm nay, chỉ tiêu đạt 12% vẫn còn khá xa.
Suốt trong năm 2012 cho đến đầu năm nay, đã có nhiều lý giải về sự chật vật của tăng trưởng tín dụng. Trong đó chủ yếu là do nền kinh tế khó khăn kéo dài, sức cầu và khả năng hấp thụ vốn hạn chế; cùng đó là nợ xấu trở thành “cục máu đông” cản trở dòng chảy của vốn…
Còn ở góc nhìn thống kê với những con số, tín dụng trì trệ thời gian qua chủ yếu rơi vào các ngân hàng quốc doanh chiếm thị phần lớn.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần giữ nhịp tăng trưởng tín dụng khá tốt, thì một số thành viên khối quốc doanh vẫn chưa thể góp sức thúc đẩy cho tình hình chung, thậm chí còn là đầu tàu kéo lùi tín dụng.
Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng cho mỗi ngân hàng. Phần lớn được áp tối đa 12%, một vài trường hợp được 15%. Qua 6 tháng đầu năm 2013, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều thành viên đã đạt phổ biến từ 7 - 8%, một số đạt khá cao như TienPhong Bank tới 38%, VPBank đạt tới 22%, HDBank đạt khoảng 13%, Sacombank đạt 12,9%... Theo đó, việc nâng chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm tập trung ở nhóm này.
Trong khi đó, khối quốc doanh với thị phần chiếm khoảng 50 - 52% tổng dư nợ của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng hạn chế, thậm chí sụt giảm đáng kể.
Tính đến 30/6/2013, các chỉ tiêu cơ bản của khối quốc doanh đều kém hơn hẳn khối cổ phần: Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tính trên thị trường 1 của khối quốc doanh vẫn mức cao 95,45%, còn khối cổ phần dễ chịu hơn với 76,45%; tương ứng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 20,89% so với 16,76%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 11,1% so với 12,8%.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có tăng trưởng tín dụng tính đến 30/6/2013 đạt 7,3% so với cuối 2012. Song đây là thành viên duy nhất trong khối giữ được nhịp tương đối ổn định. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tăng được 4,1%. Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chỉ chớm tăng được 0,37%. Đặc biệt, “ông lớn” Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kéo lùi tín dụng chung khi giảm gần 1,5%.
Một tính toán tương đối cho thấy, tổng dư nợ của toàn nền kinh tế ước khoảng 3 triệu tỷ đồng, riêng hai đầu tàu VietinBank và Vietcombank chiếm thị phần khoảng 20%, nên trọng số ghìm và kéo lùi tăng trưởng tín dụng hệ thống là đáng kể.
Tín dụng tăng chậm do nợ xấu?
Có một điểm có vẻ mẫu thuẫn khi nhìn nhận kết quả của hai khối trên. Nếu cùng lý do sức cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém đi, “cục máu đông” nợ xấu cản trở, thì sao ở khối ngân hàng thương mại cổ phần vẫn có đà tăng trưởng tốt?
Xét về nội tại, theo phân tích của một tổ chức đầu tư đưa ra mới đây, có một nguyên nhân đáng chú ý. Tại khối ngân hàng quốc doanh, đơn cử như Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2013 dư nợ của một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã sụt giảm đáng kể. Điều này có thể giải thích nhu cầu giảm đi, nhưng khách hàng ra đi cũng là một giả thiết.
Về phương diện kỹ thuật, gắn với các yếu tố an toàn hoạt động, khối ngân hàng quốc doanh hiện có các điều kiện kém hơn khối cổ phần để có thể chủ động thúc đẩy cho vay mạnh hơn.
Cụ thể, dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 30/6/2013, các chỉ tiêu cơ bản của khối quốc doanh đều kém hơn hẳn khối cổ phần: tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tính trên thị trường 1 của khối quốc doanh vẫn mức cao 95,45%, còn khối cổ phần dễ chịu hơn với 76,45%; tương ứng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 20,89% so với 16,76%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 11,1% so với 12,8%.
Rất tiếc hiện chưa có dữ liệu chung về tỷ lệ nợ xấu phân theo các khối trong thói quen thống kê và công bố của Ngân hàng Nhà nước để có thêm so sánh.
Còn trong những so sánh trên, riêng tỷ lệ LDR vẫn là một trở ngại lớn đối với khả năng đẩy mạnh cho vay ở khối ngân hàng quốc doanh. Đây là tấm đệm thanh khoản, từng nóng bỏng trên 100% ở khối này. Theo đề án tái cơ cấu hệ thống mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015 phải giảm được LDR của khối này về khoảng 90%, được xem như một yêu cầu để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Như vậy, ở khía cạnh trên, bản thân khối ngân hàng quốc doanh có những khó khăn nội tại trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Hay nói cách khác, tăng trưởng của họ hiện đã dựa trên một cơ sở quy mô tín dụng quá lớn gắn với các cân đối trong hoạt động, khó có thể mở rộng cơ sở đó một cách nhanh và mạnh trong ngắn hạn.