Hơn một năm kể từ khi Quốc hội và Chính phủ lần lượt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới, thị trường mới bước đầu có xu hướng đồng thuận cũng như tạo một quãng giao dịch khác biệt.
Song, tiếp tục giữ được mức độ thu hẹp đó còn là thử thách phía trước đối với nhà quản lý.
Co hẹp nhờ… ì giá
Ngày 28/3/2013, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên, khởi đầu cho kế hoạch trực tiếp bình ổn thị trường và thực hiện yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá. Một phiên đấu thầu ồn ào, vì nó trái với kỳ vọng chung. Giá chào bán cao, vàng đấu thầu ế, nhưng đáng chú ý hơn là phản ứng ngược từ thị trường: chênh lệch giá đang ở khoảng 2,8 triệu đồng/lượng lại bị doãng rộng lên khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Câu hỏi bức xúc lúc đó là, đấu thầu vàng để thu hẹp chứ sao lại làm doãng chênh lệch giá như vậy? Thế rồi suốt từ đó thị trường tồn tại những mức chênh lệch lớn, thậm chí có những thời điểm lên tới 6 - 7 triệu đồng/lượng.
Ở góc nhìn trực quan, giá thế giới liên tục giảm sâu mà giá trong nước có sức ì lớn tạo nên chênh lệch trớ trêu, còn Ngân hàng Nhà nước vẫn không chịu nhượng bộ hạ giá vàng đấu thầu.
Ba tuần qua, cũng chính sức ì lớn của giá trong nước không bắt nhịp tăng theo đà quốc tế, trong khi giá quốc tế liên tục hồi phục mạnh, chênh lệch đã được thu hẹp. Cũng nhìn nhận một cách trực quan, sự hồi phục nhanh ở đầu giá quốc tế trở thành yếu tố “may mắn” giúp thu hẹp chênh lệch với giá trong nước.
Nếu giá quốc tế không hồi phục nhanh và mạnh trong ba tuần qua thì yêu cầu - mục tiêu thu hẹp vênh giá mà Ngân hàng Nhà nước dồn sức thời gian qua khó có chuyển biến được như hiện nay.
Nhưng, một yếu tố quan trọng và có thể xem là thành công của Ngân hàng Nhà nước là đã kìm được giá trong nước, không bắt nhịp tăng như giá thế giới. Độ ì của nó cũng là giúp thu hẹp chênh lệch. Vì sao có sức ì này?
Thứ nhất, sau khi cắt bỏ các đòn bẩy tài chính từ các ngân hàng thương mại, bản thân vốn vàng và hoạt động kinh doanh liên quan của họ cũng được quản lý chặt hơn, thị trường đã hạn chế nguồn lực lớn kích cầu đẩy giá, hay hoạt động đầu cơ làm giá như trước đây.
Thứ hai, một số đầu mối lớn cho biết, giao dịch vàng thời gian gần đây đã chùng xuống, cầu không đuổi theo giá, yết giá cao khó bán được hàng - đọng vốn và dễ rủi ro. Đây cũng là khác biệt lớn so với những năm trước, khi thị trường trong nước luôn bị cuốn vào các đợt tăng mạnh của giá quốc tế. Nay, tính từ điểm rơi cuối tháng 6/2013, giá vàng quốc tế đang tăng khoảng 18%, nhưng giá trong nước chỉ thay đổi trong khoảng 2 - 3%.
Thứ ba, nguồn cung từ đấu thầu vẫn đều đều chảy ra, qua 55 phiên đã có 55,3 tấn. Dù ước tính hơn 30 tấn trong đó là dùng cho các ngân hàng tất toán trạng thái, nhưng phần còn lại dồn trong thời gian ngắn là sức nặng đè cầu đáng kể.
Cùng với “may mắn” từ đà hồi phục mạnh của giá quốc tế, những yếu tố trên tạo ì giá trong nước và giúp thu hẹp chênh lệch giá. Thị trường vàng Việt Nam lâu rồi mới có một quãng giao dịch ba tuần ổn định như vậy, chênh lệch chỉ còn khoảng 2,2 - 2,4 triệu đồng/lượng.
Nhưng giữ được mức độ chênh lệch, không để doãng rộng trở lại đã là một thử thách đối với Ngân hàng Nhà nước thời gian tới chứ chưa nói là tiếp tục thu hẹp được nữa.
Ẩn số từ bên ngoài
Biến số lớn trong thử thách trên mà Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn thụ động là sự thay đổi của giá quốc tế.
Như phân tích ở trên, với độ ì của giá trong nước, nếu giá quốc tế đảo chiều và rơi mạnh, chênh lệch lại có thể doãng ra. Tình huống đó hoàn toàn có thể, bởi thực tế diễn biến thời gian qua cho thấy giá vàng thế giới có thể rơi tới 10% chỉ qua một ngày giao dịch, hay tới 15% trong một tuần giao dịch.
Còn trong nước, thực tế nhiều năm qua chưa từng có sự bắt nhịp với mức độ lớn như vậy. Có thể do sự trì hoãn của các đầu mối, hay họ không sẵn sàng chịu lỗ một cách chóng mặt như vậy(?). Đó là chưa nói, nếu giá trong nước cũng giảm mạnh theo, cầu bắt đáy sẽ xuất hiện có thể đẩy giá lên trở lại, khiến chênh lệch giá bị kéo rộng cả hai đầu. Với một thị trường không liên thông như hiện nay, tình huống này hoàn toàn có thể xẩy ra.
Ứng xử ở đây của Ngân hàng Nhà nước là một sự sẵn sàng trong can thiệp cung cầu trên thị trường, đủ liều để điều tiết, thậm chí phải chấp nhận một mức độ doãng rộng chênh lệch giá trong ngắn hạn để rồi từng bước ổn định và xử lý.
Tuy nhiên, biến động lớn và mạnh như tình huống trên ít xẩy ra. Kỳ vọng cho chênh lệch đã thu hẹp được hiện nay là giá quốc tế không nhiều thay đổi, hoặc đà tăng - giảm ở trong nhịp độ vừa phải.
Thêm nữa, bên cạnh thay đổi của giá quốc tế, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, một yếu tố quan trọng khác là ứng xử của người dân và nhà đầu tư. Nếu nền kinh tế vận động tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, lạm phát được kiềm chế và VND có giá trị hấp dẫn, thì dòng tiền sẽ dần nói lời chia tay với vàng hay chí ít là bớt đổ thêm vào vàng. Thế nhưng, để tạo được yếu tố này quả là khó, mà riêng nhà điều chỉnh chính sách tiền tệ thì không thể làm được.