(TBTCO) - Kể từ ngày 20/9 tới, NHNN có thể trực tiếp hoặc chỉ định ngân hàng khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng yếu kém. Đây là một trong những biện pháp tái cơ cấu ngân hàng yếu kém theo quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
>> Tái cấu trúc ngân hàng: Nên hợp nhất thay vì thâu tóm
Ngân hàng nào sẽ được góp vốn bắt buộc?
Theo quyết định 48, tổ chức tín dụng (TCTD) thuộc diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB) sẽ được góp vốn, mua cổ phần bắt buộc trong trường hợp không có khả năng thực hiện yêu cầu của NHNN về tăng vốn, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại; hoặc số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD, đồng thời việc dừng hoạt động của TCTD này có thể gây mất an toàn hệ thống.
Khi tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD yếu kém, NHNN có quyền quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, xác định số vốn điều lệ cần bổ sung thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; yêu cầu TCTD thuộc diện KSĐB phải chuyển nhượng vốn góp, vốn cổ phần; thành viên góp vốn, cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối TCTD phải chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho NHNN hoặc TCTD được chỉ định...
Việc góp vốn, mua cổ phần có thể bằng tiền hoặc thông qua việc chuyển đổi dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay tại TCTD bị KSĐB. Riêng với NHNN, có thể sử dụng các công cụ nợ do NHNN phát hành để thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần.
Bên cạnh các quyền nêu trên, NHNN có trách nhiệm đại điện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước khi NHNN trực tiếp góp vốn, mua cổ phần; chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát việc triển khai Phương án cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn, mua cổ phần; Chỉ đạo việc triển khai tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên; Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của TCTD được tham gia góp vốn, mua cổ phần; kết quả triển khai việc góp vốn, mua cổ phần.
TCTD được chỉ định tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc sẽ được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp sau khi kết thúc giai đoạn cơ cấu lại TCTD yếu kém; cử người tham gia Ban KSĐB, tham gia quản trị, điều hành TCTD theo yêu cầu, quyết định của Thống đốc NHNN.
Việc thoái vốn tại TCTD yếu kém chỉ được thực hiện khi hoạt động của TCTD yếu kém đã trở lại bình thường hoặc được nhà đầu tư mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.
Giải pháp mạnh "vực dậy" các ngân hàng yếu kém
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc nhà nước góp vốn vào ngân hàng yếu kém là một biện pháp đã được nhiều nước áp dụng để vực dậy những ngân hàng yếu mà không thể để phá sản. Thông thường, việc xử lý các ngân hàng yếu kém có 3 cách.
Cách thứ nhất là để cho ngân hàng phá sản, khi mà ngân hàng đã quá yếu kém, nhiều sai phạm, quy mô nhỏ, không thể tái cấu trúc, hoặc chỉ là sân sau để phục vụ cho một tập đoàn nào đó nên thị trường, sản phẩm và dịch vụ rất giới hạn.
Cách thứ hai là tạo cơ hội cho các ngân hàng sáp nhập, một ngân hàng khỏe sáp nhập với một ngân hàng yếu thì sẽ có cơ hội tạo thành một ngân hàng khỏe.
Cách thứ ba chính là việc NHNN mua cổ phần. Một ví dụ điển hình gần đây là việc chính phủ Mỹ mua cổ phần ở các ngân hàng bên bờ vực phá sản vào năm 2008. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ việc thị trường bất động sản lao dốc sau thời kỳ sốt nóng khiến nợ xấu ở các ngân hàng quá lớn, tài sản của ngân hàng bị xói mòn (có nhiều điểm rất tương đồng với Việt Nam ở giai đoạn này).
Khi đó, FED, một dạng ngân hàng trung ương của Mỹ, đã mua cổ phiếu ở các ngân hàng này. Tuy nhiên, đó là loại cổ phiếu ưu đãi với cổ tức được ấn định từ trước, người đầu tư khi cần thoái vốn không lấy lại tiền từ ngân hàng mà cổ phiếu mang ra thị trường bán.
Khác với quy định ở Việt Nam, người sở hữu cổ phiếu này, hay ngân hàng trung ương không được phép tham dự vào hoạt động quản trị của ngân hàng đó. Ngân hàng trung ương chỉ bơm vốn, giám sát, yêu cầu báo cáo thường xuyên mà không tham gia vào quản lý điều hành.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu cách làm này hoàn toàn có thể thực hiện được tại Việt Nam bởi NHNN chỉ nên điều hành ở lĩnh vực công mà không cần phải tham gia vào điều hành các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc NHNN mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém lúc này là cần thiết và hợp lý để vực dậy các ngân hàng yếu kém, làm lành mạnh hệ thống ngân hàng vốn đang gặp nhiều khó khăn./.