Theo công bố của OceanBank, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 5,91% đối với khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng. Mức lãi suất này áp dụng từ ngày 9/9/2013 và dành cho 500 khách hàng vay mỗi tháng. Trước OceanBank, ngân hàng Techcombank cũng đã công bố mức lãi suất cho vay thấp đến 5,99% cho khách hàng vay tiêu dùng.
Ngược đời... chuyện ngân hàng chịu lỗ lãi suất?
Mức lãi suất này của hai ngân hàng Techcombank và OceanBank thậm chí còn thấp hơn gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho lĩnh vực nhà ở xã hội là 6%/năm. Không ấn tượng như hai mức lãi suất trên nhưng thời gian gần đây nhiều ngân hàng thương mại lớn khác cũng công bố mức lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 7 - 8%/năm.
Đối với những người quan tâm đến thị trường tài chính, câu hỏi đặt ra là với mức lãi suất huy động phổ biến từ 7 – 8%/năm, thì các ngân hàng có mức lãi suất cho vay từ 8% trở xuống có lợi nhuận ra sao? Khó tin rằng các ngân hàng chấp nhận lỗ để kinh doanh ngược: huy động với lãi suất cao và cho vay với lãi suất thấp.
 |
Hình ảnh giới thiệu về chương trình cho vay lãi suất thấp của ngân hàng OceanBank.
|
Theo một giám đốc ngân hàng TMCP cho biết: “Chắc chắn các ngân hàng không thể để bị lỗ. Cũng có thể, một số ngân hàng tạm thời có một nguồn vốn giá rẻ nào đó, trong một thời hạn nhất định, chẳng hạn của một tổ chức, doanh nghiệp gửi một khoản rất lớn với lãi suất thỏa thuận. Ngân hàng dựa trên nguồn vốn giá rẻ đó để cân đối, cho vay ra nhằm tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng, làm đẹp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, khả năng này không nhiều và thường rơi vào các ngân hàng lớn, có những nguồn vốn giá rẻ được chỉ định từ các tổ chức, chính phủ”.
Cẩn trọng với chiêu trò câu khách
Một người am hiểu về lĩnh vực ngân hàng cho biết, thực chất các mức lãi suất ưu đãi này không hề thấp nếu tính đầy đủ các loại phí, phạt, tính lãi suất trên tổng thời gian vay. Thông thường mức lãi suất trong 1 đến 6 tháng đầu có thể rất thấp, nhưng sau đó lãi suất sẽ được điều chỉnh trở lại mức thông thường và còn cộng thêm lãi suất theo điều kiện hợp đồng, thì mức lãi suất sẽ trở nên cao, không còn tính cạnh tranh nữa.
Cụ thể như chương trình cho vay với lãi suất 5,91% của OceanBank chỉ áp dụng cho 6 tháng đầu với thời gian vay tối thiểu 60 tháng (trường hợp vay mua nhà). Còn 54 tháng sau lãi suất sẽ là lãi suất thông thường cộng với 0,9%. Lãi suất thông thường của OceanBank hiện vào khoảng 13 đến 14%. Như vậy để được hưởng 6 tháng đầu lãi suất thấp, khách hàng phải chịu lãi suất cao thêm gần 1% trong hơn 4 năm sau.
Tương tự, gói lãi suất cho vay 5,99% của Techcombank cũng chỉ được áp dụng cho 1 tháng với thời hạn vay từ 1 đến 3 năm, trong 3 tháng với thời gian vay từ 3 – 5 năm. Ngoài thời gian này, khách hàng phải trả lãi suất thông thường hiện là 14% trong suốt thời gian còn lại của hợp đồng.
Theo các điều khoản vay, khách hàng cũng không được trả nợ trước hạn, hoặc nếu trả trước sẽ phải nộp phạt. Theo chuyên gia nói trên, “các ngân hàng quy định rất chặt chẽ về thời hạn trả nợ với những khoản phí khác nhau, thậm chí có những khoản phí rất trời ơi đất hỡi, như phí giải ngân khi bắt đầu khoản vay…”.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, khách hàng có nhu cầu nên thận trọng trước khi quyết định vay theo các mức tín dụng được cho là “ưu đãi” nói trên. Khách hàng nên thận trọng tìm hiểu kỹ các điều khoản của hợp đồng vay, yêu cầu ngân hàng liệt kê hết các khoản phí, phạt, các lãi suất cộng thêm theo thời gian để tính toán cân nhắc, tránh bị “hớ” trước khi ký hợp đồng vay./.