Nợ xấu rình rập tăng
Hướng tới mục tiêu đến năm 2015 sẽ xử lý hết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định sẽ xử lý nợ xấu theo phương thức huy động nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách và đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản cần triển khai từ nay đến năm 2015. Đó là, nhóm giải pháp đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền và địa phương…
Nhờ triển khai mạnh mẽ các giải pháp trên, số liệu cập nhật của các TCTD cho thấy tốc độ gia tăng nợ xấu đang giảm dần. Tổng số nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro theo thống kê của NHNN là hơn 86 nghìn tỷ đồng. Tổng số nợ xấu của toàn hệ thống 7 tháng đầu năm 2013, hiện chiếm 4,58% tổng dư nợ (khoảng 193 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ nợ xấu tăng trở lại là rất lớn. Số liệu giám sát từ xa của NHNN cũng đã thể hiện rõ điều đó, so với đầu năm, nợ xấu hiện đã tăng nhẹ từ mức 4,46% (tháng 5-6/2013) lên mức 4,58% vào cuối tháng 7/2013.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, trong tình trạng doanh nghiệp khó khăn, đình đốn sản xuất kinh doanh như hiện nay thì con số nợ xấu thực tế giảm là không tưởng. Sở dĩ số nợ xấu theo như công bố của các tổ chức tín dụng đã giảm nhẹ theo ông Thành là chủ yếu do ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ. “Hiện các ngân hàng đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, “đi mắc núi, trở lại mắc sông”, nếu kinh tế không hồi phục, không tiếp cận được vốn, để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phá sản là điều khó tránh khỏi”, ông Thành cho hay.
Ngân hàng lại không mặn mà bán
Ngày 26/7/2013, VAMC đã chính thức đi vào hoạt động, hành lang pháp lý cho tiến trình mua bán nợ xấu cũng đã được kiện toàn. Tuy nhiên sau gần 2 tháng chính thức có hiệu lực VMAC đã mua được nợ? Đó chính là điều đáng bàn, bởi theo khảo sát thực tế số đông ngân hàng đều không muốn bán nợ cho VAMC, vì sao?
“Ngân hàng vẫn hy vọng có thể tự xử lý được thay vì bán cho nợ cho VAMC”, nhấn mạnh điều này, chuyên gia Bùi Kiến Thành lý giải: Dù đã bán món nợ nhưng ngân hàng, bên cạnh với việc mỗi năm phải bỏ ra lượng tiền lớn (20%) trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ trong vòng 5 năm thì vẫn phải có trách nhiệm với món nợ đó. Chưa kể, món nợ đó phải đáp ứng đủ điều kiện mua nợ của VAMC là phải có tài sản đảm bảo. Nếu nợ xấu mà có tài sản đảm bảo thì ngân hàng cho rằng, họ cũng có thể tự bán và số tiền thu về sẽ cao hơn bán cho VAMC.
Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn khiến ngân hàng vẫn trong tâm trạng “giấu nợ xấu” và không muốn bán nợ cho VAMC là bởi họ sợ khi đề nghị bán nợ thì phải công khai nguồn gốc xuất phát số nợ xấu đó, ai là người vay, vay để làm gì….
“Họ sợ là đúng bởi tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng hiện nay như ma trận, huy động tiền của dân rồi tuồn ra công ty sân sau, đầu tư ngoài ngành một cách dàn trải. Nếu bán nợ, khác gì việc không khảo cũng thưa, thừa nhận là mình cho vay sân sau, các ông chủ nhà băng nguy cơ phải chịu trách nhiệm là rất lớn. Chính vì vậy, họ cố giấu, đến được lúc nào hay lúc đó. Dĩ nhiên là đến một thời điểm nào đó, nếu ngân hàng ngoan cố không chịu bán thì thanh tra giám sát ngân hàng sẽ tiến hành thanh tra”, ông Thành phân tích.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, để số nợ xấu thực sự giảm về chất, NHNN phải buộc các ngân hàng thương mại công khai rõ các khoản nợ xấu là cho ai vay. Nếu là cho vay công ty sân sau gây ra đổ vỡ, ảnh hưởng tới hệ thống thì lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách. Việc bán nợ cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn khi đã mua được nợ rồi thì VAMC bán nợ cho ai? Nếu số nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản thì trong bối cảnh thị trường trầm lắng và sa sút như hiện nay thì muốn bán tải sản cũng không dễ.
Bán nợ cho nước ngoài cũng không đơn giản. Nhà đầu tư nước ngoài đi kinh doanh lấy lãi chứ không phải đi “hỗ trợ” thị trường. Cách duy nhất là khi VAMC mua nợ, phải cơ cấu, tái hoạt động lại doanh nghiệp, như vậy mới mong thu hồi được nợ. Tuy nhiên, tái cấu trúc như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là điều phải bàn tới, bởi với hành lang pháp lý hiện nay thì VAMC chưa đủ lực để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp./.