NHNN đã chủ động đề xuất với các cơ quan liên quan, sớm triển khai trong thời gian tới một số việc. Đó là, tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Đề án nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, để ngành ngân hàng có cơ sở xây dựng một số sản phẩm tín dụng phục vụ cho một số mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản, lúa gạo.
Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp như một số mô hình trồng lúa và nuôi cá tra tại ĐBSCL, theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Đặc biệt là yêu cầu về một cơ chế tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề với ngành ngân hàng, nhằm tăng tính liên kết, tạo nền tảng vững chắc để đưa nền sản xuất nhỏ lẻ hiện nay thành nền sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng được xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế.
Kết quả đầu tư cho vay nông nghiệp nông thôn đến nay đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, nếu như trước khi triển khai Nghị định 41, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt trên 292.919 tỷ đồng, thì tính đến hết quý II/2013 con số này đã tăng gấp gần 2,2 lần, đạt 621.584 tỷ đồng.
Tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã từng bước được tập trung và đi sâu vào những khu vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông, lâm, thủy sản với tỷ trọng ngày càng tăng vào những mặt hàng đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Riêng trong năm 2012, tín dụng ngân hàng đã góp phần đưa thành tích xuất khẩu mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 27,54 tỷ USD./.