Lý giải về nhận định trên, ông Lực cho rằng, năm 2012 GDP tăng trưởng 5,03% (thấp nhất trong 10 năm trước đó), và năm nay, dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,2 - 5,3%. Với những chính sách chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Chính phủ nên các chỉ tiêu kinh tế đều đạt kết quả khả quan.
9 tháng đầu năm 2013, GDP tăng trưởng 5,14%; xuất khẩu đạt 96,6 tỷ USD; nhập khẩu đạt 96,5 tỷ USD; FDI đăng ký đạt 15 tỷ USD, đã giải ngân 8,62 tỷ USD. Tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất giảm mạnh. Tốc độ tăng hàng tồn kho đã giảm dần từ 21% tháng 6/2012 xuống 8,8% tháng 9/2013 so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như: lạm phát hiện tại đã được kiểm soát nhưng nhiều nguy cơ có thể quay lại. Môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều, đặc biệt nợ xấu còn ở mức cao, tín dụng tăng trưởng thấp.
Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu NHTM cũng là vấn đề được tập trung bàn bạc tại hội thảo này.
Từ đầu năm 2013 đến nay, tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng đang triển khai mạnh mẽ, đặc biệt sự ra đời của VAMC được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để tái cơ cấu ngân hàng thành công thì xử lý nợ xấu là một nhiệm vụ trọng tâm. Quá trình xử lý nợ xấu hiện nay đang hết sức phức tạp bởi thiếu sự đồng thuận về chính sách, thiếu nguồn lực tài chính an toàn, tình trạng sở hữu chéo, thị trường mua bán nợ kém phát triển.
Do vậy, bên cạnh sự phối hợp đồng thuận về chính sách giữa các bộ, ngành thì vai trò của VAMC cần được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Chỉ khi ngân hàng và DN không còn băn khoăn khi bán nợ xấu cho VAMC thì vai trò của công ty đặc biệt này mới thực sự được khẳng định và hiệu quả xứ lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được nâng lên./.