Tổn thất do thảm họa “đè đầu” lợi nhuận
Nếu như năm 2012 những tổn thất mang tính thảm họa lớn của thế giới (bao gồm cả thiên tai và nhân tai) đã làm cho năm này trở thành năm có số tiền tổn thất được bảo hiểm là 77 tỷ USD - lớn thứ ba kể từ năm 1970. Phần lớn tổn thất trên đều do thiên tai gây ra (71 tỷ USD/77 tỷ USD) nhưng sang năm 2013 các thảm họa thiên tai cũng dường như không thuyên giảm:
* Lũ lụt ở Indonesia gây tổn thất kinh tế ước tính của trận lũ lụt này là 3,3 tỷ USD và theo Fitch, tổn thất được bảo hiểm chỉ ước khoảng 311 triệu USD.
* Động đất 6,6 độ Richte tại Tứ Xuyên - Trung Quốc vào ngày 20.04.2013.
* Lốc xoáy xảy ra tại các bang miền trung nước Mỹ từ 18-20.5.2013 (ước tính ban đầu số tiền khôi phục các tài sản bị thiệt hại khoảng từ 2 đến 5 tỷ USD).
* Miền trung Âu hứng chịu trận lụt lịch sử trong vòng hơn 70 năm qua vào đầu tuần tháng 6/2013. Lũ lụt xảy ra sau các trận mưa lớn kéo dài gây ngập lụt tại Đức, Áo, Cộng hòa Séc, Thụy Sỹ, Slovakia và Ba Lan. Một phần của Cộng hòa Séc, Áo và Đức là những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vài chục nghìn người ở phía đông nước Đức phải rời khỏi nhà sau khi nhiều đê vỡ vì nước sông Elbe dâng mạnh (mức kỷ lục 7,48m – cao hơn 5m so với mức bình thường và vượt qua mức cao nhất của trận lụt năm 2002).
Ước tính tổng thiệt hại được bảo hiểm do bị ảnh hưởng bởi lũ lụt từ 5,28 đến 7,66 tỷ USD.
Những điều trên đã ảnh hưởng lớn đến thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm thế giới nói chung và thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm Việt Nam nói riêng trong năm 2013.
Tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục
Kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có một số chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn đang trên đà sụt giảm và ẩn chứa nhiều rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô...
Trong khi đó tình hình tổn thất, thiên tai vẫn xảy ra ở mức độ trầm trọng và diễn biến phức tạp, tần suất ngày càng dầy đặc: chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão lớn làm chết và bị thương hơn 350 người, thiệt hại vật chất lên đến 13.400 tỷ đồng.
Những tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước đã tác động rất lớn đến thị trường bảo hiểm Việt Nam. Mặc dù tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng của thị trường là thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một số nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng như: Bảo hiểm nghiệp vụ dầu khí đạt 45 triệu USD (tính theo năm nghiệp vụ), tăng 50% so với cùng kỳ năm trước hứa hẹn một năm đầy khả quan về công tác phát triển mỏ. Bảo hiểm cháy nổ đạt 1.600 tỷ đồng - tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ 2012, trong đó doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc đạt 417 tỷ đồng - tăng hơn 60%. Bảo hiểm xe cơ giới đạt 3.484 tỷ đồng - tăng 9,96%, bảo hiểm tài sản thiệt hại tăng trưởng 8,8%, đạt 2.935 tỷ đồng, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người tăng 26,5%, đạt 2.063 tỷ đồng.
Ngược lại, một số nghiệp vụ lại có xu hướng giảm như: Nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, Bảo hiểm P&I, bảo hiểm thân tàu biển,...
Số tiền thực bồi thường của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 8 tháng đầu năm 2013 ước tính là gần 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ thực bồi thường là 67%, cao hơn 6% so với cùng thời kỳ năm trước.
Tình hình tổn thất trong 9 tháng đầu năm vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt đối với nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn đã xảy ra tần xuất cháy ngày càng dày,...
Một số vụ tổn thất lớn, điển hình như:
* Ngày 25.01.2013: Vụ vách ngăn của khoang chứa dầu số 2 mạn trái và số 7 mạn phải của FSO VSP 01, thiệt hại ước 6,5 triệu USD.
* Ngày 9/1/2013: Cháy nhà máy gỗ Theodore Alexander ước thiệt hại 10 triệu USD.
* Ngày 23/4/2013: Cháy công ty nội thất G Hom ước tổn thất 1,5 triệu USD.
* Ngày 06.4.2013: Cháy công ty Hà Phong ước thiệt hại 2 triệu USD.
* Ngày 12.4.2013: Cháy tổng kho của Sacombank Warehouse thiệt hại ước 40 tỷ VND.
Sau nhiều năm thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng hơn tới hiệu quả khai thác nghiệp vụ, “nói không” với tăng trưởng nóng về doanh thu.
Tuy nhiên, do sức ép về cạnh tranh trên thị trường vẫn hết sức gay gắt, nên nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng hạ phí, mở rộng điều kiện điều khoản, tăng mức khấu trừ để giành dịch vụ vẫn còn diễn ra phổ biến, khuyến mại cho khách hàng tăng, chi phí khai thác lớn. Công tác thống kê và định phí bảo hiểm chưa được đầu tư đúng mức.
Vấn nạn trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận bồi thường chỉ để tỏ thiện chí, thể hiện tính nhân đạo và cũng để giữ chân khách hàng.
Đặc biệt, hiện tượng trục lợi bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn con người,… đang diễn ra hết sức phổ biến. Sai phạm thường gặp là chi bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm không thuộc phạm vi bảo hiểm, hoặc khách hàng nộp phí sau ngày xảy ra tổn thất mà trước đó doanh nghiệp bảo hiểm không có thỏa thuận cho nợ phí bằng văn bản.