Theo thông cáo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013, tính đến ngày 23/10, tăng trước tín dụng mới chỉ ước đạt 6,48% so với cuối năm 2012. Vẫn còn hơn 5,5% cần lấp đầy, theo chỉ tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho năm nay.
Bước vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%. Con số này cao hơn mức thực hiện 8,91% năm 2012, hàm ý hoạt động cho vay của các nhà băng sẽ tốt hơn.
Thực tế, sau quý 1 âm nhẹ, từ cuối tháng 3 tín dụng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Tốc độ mạnh dần lên trong tháng 5 và 6. Tuy nhiên, với kết quả cập nhật mới nhất nói trên, đến 23/10 mới chỉ tăng được 6,48%. Hai tháng còn lại của năm phải thực sự có đột phá mới có thể chạm đích chỉ tiêu. Điều này rất khó xẩy ra, khi cuối năm thường là thời điểm nhiều khoản vay đáo hạn; nhu cầu vay chỉ thực sự mạnh trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Suốt từ đầu năm, trước diễn biến chật vật của tăng trưởng tín dụng, đã có nhiều phân tích xoay quanh sức cầu của nền kinh tế, trở ngại từ nợ xấu và khó khăn từ hàng tồn kho chất cao… Cũng có quan điểm cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, dù tín dụng tăng trưởng thấp nhưng dòng vốn đã được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là khu vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa… Dữ liệu cập nhật từng thời điểm cho thấy những nhóm lĩnh vực này đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân.
Tuy nhiên, cũng nhiều lần trong các văn bản, tài liệu hay phát biểu của lãnh đạo chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đến quyết tâm thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay. Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu này trong các phiên họp thường kỳ từ giữa năm.
Dù không có trong danh mục chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội thảo luận và định hướng hàng năm, song tăng trưởng tín dụng là một chỉ tiêu quan trọng. Nó gắn với yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát trong từng thời kỳ.
Với mức rất thấp trong năm 2011 và 2012 (10,9% và 8,91%), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng lập luận rằng, hiệu quả sử dụng vốn đã tốt hơn và tín dụng được điều hành phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Lập luận mà người đừng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đưa ra là, giai đoạn trước, để có 1% tăng trưởng kinh tế thì cần tới 5 - 6% tăng trưởng tín dụng đối ứng; nay chỉ cần mức đối ứng trên dưới 2%...
Theo lập luận đó, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt được 12%, hẳn nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng đã tạo sức hỗ trợ mạnh hơn cho tăng trưởng kinh tế, nhất là khi chỉ tiêu này thực tế cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần không đạt.
Từ đầu quý 3/2013, mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống khá thấp. Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định, lãi suất không còn là rào cản đối với việc vay vốn. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, với tốc độ đang thể hiện có thể xem là định sẵn cho khả năng hụt chỉ tiêu cả năm.
Ngoài tốc độ giải ngân nói chung, khả năng trên còn được xét đến ở một số yếu tố có ảnh hưởng đáng kể.
Thất vọng lớn còn thể hiện ở gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở. Nếu giải ngân tốt, gói này sẽ góp phần kích thích tín dụng đáng kể, song qua 4 tháng triển khai vẫn chưa đầy 1.000 tỷ đồng được xét duyệt.
Thứ nhất, có thể thấy một số dòng chảy của vốn đã không được khơi thông như dự tính và kỳ vọng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước. Đơn cử như ở lĩnh vực bất động sản, mảng từng hút vốn quy mô lớn nhiều năm trước, hoạt động cho vay vẫn cầm chừng khi thị trường kéo dài. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã cởi bỏ giới hạn kiểm soát (về tỷ trọng gắn mác “phi sản xuất” từng ồn ào trong năm 2012), nhưng tỷ trọng trong cơ cấu chung vẫn không mấy thay đổi (đến 6/2013 là 8,13%, cuối 2012 khoảng 8%).
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, thất vọng lớn còn thể hiện ở gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở. Nếu giải ngân tốt, gói này sẽ góp phần kích thích tín dụng đáng kể, song qua 4 tháng triển khai vẫn chưa đầy 1.000 tỷ đồng được xét duyệt.
Thứ hai, dư nợ cho vay bằng vàng đã bóc gần hết ra khỏi cơ cấu tín dụng, dẫn đến sự hao hụt nhất định khi tính tỷ lệ tăng trưởng hiện nay. Tính toán tương đối trên cơ sở báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2012 toàn hệ thống còn dự nợ bằng vàng khoảng 20 - 21 tấn. Quy mô này ứng với khoảng 20 - 21 nghìn tỷ đồng. Hiện dư nợ loại này dự tính chỉ còn khoảng 6 - 7 tấn, nên tín dụng chung đã bớt đi sự đóng góp của vốn vàng (đó là chưa kể nguồn lực đòn bẩy “gián tiếp” cho hoạt động đầu tư vàng mà ngân hàng có thể lách quy định để cho vay, đến nay đã được bóc tách và hạn chế đáng kể).
Thứ ba, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã vào cuộc mua nợ xấu, “vô tình” đã tác động đến tổng dư nợ của hệ thống và “cản trở” tăng trưởng tín dụng về số học.
Cụ thể, qua các hợp đồng đã ký kết, cam kết, xet xét và trù tính, VAMC đặt mục tiêu sẽ mua tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Điều đó có nghĩa, khoảng 30.000 tỷ đồng đang là nợ tại các ngân hàng thương mại được bóc và đưa ra ngoại bảng, mẫu số tổng dư nợ giảm đi tương ứng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng của nó so với mẫu số cuối năm 2012 kém đi.
Tính toán tương đối, nếu VAMC hoàn thành mục tiêu trên, về mặt số học, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể bị “gạt” đi khoảng 1%. Nói đúng hơn, cần tính thêm khoảng 1% này cho mức tăng trưởng tín dụng chung cả năm.
Bên cạnh những yếu tố tác động trực tiếp đến con số tăng trưởng tín dụng nói trên, mẫu chốt của vấn đề vẫn là sức cầu của nền kinh tế, hay sức cầu vay vốn. Ở góc độ này, năm 2013 còn thể hiện khó khăn hơn cả 2011 và 2012./.