Thị trường chưa phát triển
PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường mua bán nợ của Việt Nam hiện nay?
TS Lê Xuân Nghĩa: Hiện tại thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa thực sự phát triển. Sự ra đời của VAMC đã góp phần thúc đẩy thanh khoản cho thị trường này, tuy nhiên do mới mẻ nên còn nhiều lúng túng.
Tôi cho rằng, để phát triển thị trường mua bán nợ, chúng ta không thể trông cậy vào các nhà đầu tư trong nước, cũng không thể trông chờ vào sức cầu hiện tại của Việt Nam. Bởi vì sức cầu hiện nay rất yếu. Các nhà đầu tư trong nước phần lớn là các nhà đầu cơ ngắn hạn, không có tính chất đầu tư dài hạn.
Thậm chí, các nhà đầu tư lại chính là các NHTM mà nguồn vốn để đầu tư vào khu vực này chưa chắc là nguồn vốn tự có, có thể là nguồn vốn vay hoặc nguồn tiền gửi. Điều này có thể sẽ làm tăng thêm rủi ro cho thị trường và cho hệ thống ngân hàng.
|
|
 |
Cả hệ thống NHTM và VAMC trong năm nay sẽ xứ lý được xấp xỉ 100.000 tỷ nợ xấu. Đây là một con số khả quan. |
 |
|
TS Lê Xuân Nghĩa
|
|
|
Năm nay sẽ xử lý được gần 100.000 tỷ nợ xấu
PV: VAMC được thành lập với nhiều kỳ vọng sẽ xử lý "cục máu đông nợ xấu" cho nền kinh tế. NHNN đặt nhiều kỳ vọng và đưa ra mục tiêu VAMC có thể xử lý từ 40 -70.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo ông thì mục tiêu này có thể thực hiện được trong năm nay không?
TS Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, mục tiêu này có thể xử lý được. Con số 40 -70.000 tỷ đồng là số nợ xấu mà hệ thống ngân hàng xử lý, chứ không phải chỉ thông qua VAMC.
Vì vậy trong năm nay, đúng theo con số công bố là các NHTM sẽ tự xử lý được 70 - 80.000 tỷ đồng. Còn VAMC dự kiến sẽ phát hành khoảng 35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt từ nay tới cuối năm,tức là một khoản tương đương với mức nợ xấu sẽ xử lý.
Như vậy có thể thấy, cả hệ thống NHTM và VAMC trong năm nay sẽ xứ lý được xấp xỉ 100.000 tỷ nợ xấu. Đây là một con số khả quan.
Tuy nhiên, điều mà tôi lo ngại là nợ xấu của DNNN và nợ xấu của ngân sách chiếm tới 1/3. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu nói chung, làm cho chất lượng tài sản của các NHTM tiếp tục gặp khó khăn.
Nên mở cửa cho NĐT nước ngoài
PV: Vậy theo ông cần có thêm giải pháp gì để thị trường này phát triển hơn và giúp cho quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn?
TS Lê Xuân Nghĩa: Chính vì các nhà đầu tư trong nước chưa đủ lực nên giải pháp số một để phát triển thị trường mua bán nợ là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Trong đó có các quỹ đầu tư và trung gian tài chính, họ có thể mua gom một lô lớn nợ xấu và phân chia ra từng lô nhỏ để bán lại.
Đặc biệt, chính VAMC với những đặc quyền của mình nên tiến hành thu gom nợ, phân loại nợ rồi sau đó bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc thiếu minh bạch thông tin về các khoản nợ xấu đang là rào cản lớn vì hoạt động mua bán thông qua đấu thầu phải công khai và thực sự minh bạch.
Mặt khác, chúng ta cũng cần phải linh hoạt về phương thức mua bán.
Ngoài ra, rào cản về chi phí thời gian, thủ tục hành chính rườm rà… cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại.
Vì vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, thủ tục nhanh chóng, đơn giản, khoa học thì mới thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
PV: Xin cám ơn ông!