Ngày 30/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi tọa đàm nhìn lại việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 - 2013. Những điểm hạn chế được đề cập khá ít ỏi trong các ý kiến thảo luận, nhưng rất đáng chú ý.
Sau tái cơ cấu, sở hữu chéo… phức tạp hơn
Là người đầu tiên trình bày đánh giá của mình, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, điểm lại những thành công của Ngân hàng Nhà nước trong kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhìn nhận, so với những thành công trên, sự cải thiện của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu là thấp hơn nhiều, diễn ra chậm chạp.
Đáng chú ý, TS. Nguyễn Xuân Thành đưa ra một góc nhìn “ngược” về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng sở hữu chéo để tái cơ cấu, mà không dùng nguồn lực thực, nên phải chấp nhận.
“Cơ cấu sở hữu của 8 ngân hàng thương mại sau khi tái cơ cấu còn phức tạp hơn. Về ngắn hạn giúp đảm bảo ổn định hệ thống, nhưng về dài hạn thì đó là giải pháp khuyến khích ngược và sẽ phức tạp cho việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia của Fulbright nêu thực tế.
Trong những năm gần đây, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nổi lên và được xem như là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng các hoạt động kinh doanh tài chính.
Như góc nhìn của TS. Nguyễn Xuân Thành, về hình thức, hai năm qua Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được 8/9 ngân hàng thương mại yếu kém. Hoạt động của hệ thống theo đó tương đối ổn định và bớt xáo trộn từ nhóm này. Nhưng, các mối quan hệ sở hữu chéo mới lại nảy sinh, bên cạnh hoạt động sở hữu và tiến tới thâu tóm giữa các ngân hàng còn là sự nổi lên của những ông chủ mới…
Trong khi đó, có một hướng tái cơ cấu lại được TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) xem là thành công của chính sách khi nêu ý kiến tại tọa đàm trên.
Cụ thể, ông Phước nhấn mạnh đến một cơ chế mà Chính phủ vừa cho phép, qua nghị định quy định riêng, Ngân hàng Nhà nước được vốn hóa phần vốn tái cấp vốn.
“Đây là liều thần dược. Các cổ đông nào loạng quạng, ông chủ nào loạng quạng, Ngân hàng Nhà nước dùng tái cấp vốn, vốn hóa nó và xin mời anh ra. Cái này rất lịch sự và lại rất chế tài. Có lẽ Ngân hàng Nhà nước nên mong tái cấp vốn thật nhiều, để nhảy vào các ngân hàng lộn xộn. Đây là một thành công về mặt chính sách”, ông Phước nêu quan điểm.
|
|
 |
Nhiều người ý kiến là một công ty xử lý nợ xấu như thế mà vốn chỉ 500 tỷ đồng, lẽ ra phải hàng trăm nghìn tỷ đồng chứ. Tôi vẫn nói đùa là VAMC chỉ cần 1 VND vốn, 1 đồng vốn danh dự mà thôi... |
 |
 |
TS. Trương Văn Phước |
|
|
Ngân hàng Nhà nước cho vay… thời gian
Cũng tại tọa đàm trên, Phó chủ tịch (NFSC) Trương Văn Phước đưa ra một góc nhìn thú vị về việc xử lý nợ xấu hiện nay, gắn với hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Gây chú ý với những người tham dự tọa đàm, ông Phước đặt vấn đề: “Nhiều người ý kiến là một công ty xử lý nợ xấu như thế mà vốn chỉ 500 tỷ đồng, lẽ ra phải hàng trăm nghìn tỷ đồng chứ. Tôi vẫn nói đùa là VAMC chỉ cần 1 VND vốn, 1 đồng vốn danh dự mà thôi”.
Cái chính là cơ chế hoạt động của VAMC và cách thức xử lý nợ xấu ở đây của Ngân hàng Nhà nước.
“Hôm tôi được mời tham dự cuộc họp về soạn thảo nghị định cho VAMC, tôi cứ suy nghĩ mãi. Những kỹ thuật thì không mới trong việc xử lý nợ. Nhưng điều tôi thấy lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đã là một ngân hàng cho vay, không phải bằng VND, bằng ngoại tệ hay vàng. Lúc đó người ta hỏi tôi, vậy thì cho vay cái gì? Tôi nói là cho vay… thời gian”, ông Phước kể.
Theo phân tích của ông Phước, khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng “vay” được khoảng thời gian 5 năm, giãn việc xử lý khối nợ đó trong thời gian 5 năm. Không cho vay khoảng thời gian đó thì cổ đông ngân hàng chết, ngân hàng càng khó khăn hơn, hàng ngàn cán bộ nhân viên sẽ tiếp tục bị sa thải…
Để rõ hơn, chuyên gia của NFSC giải thích thêm: “Cho vay thời gian là sao? Qua bán nợ cho VAMC, lợi nhuận trong tương lai đã được "tạm ứng lúa non" cho hôm nay, dùng ngay cho việc xử lý nợ xấu”.
Thực tế, chỉ trong vòng một tháng, một thời gian rất ngắn mà nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được “bóc đi” khoảng 10.000 tỷ đồng qua việc bán lại cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng liên quan cũng lập tức giảm đi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vẫn chưa có ngân hàng nào sử dụng trái phiếu đặc biệt của VAMC để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Nguyên do mà ông Tú nhìn nhận là thanh khoản hệ thống và vốn của họ vẫn đang sung túc…
Ông Tú cũng lưu ý rằng, đã có quy định về cơ chế, trong việc cho vay tái cấp vốn qua kênh xử lý nợ xấu này sẽ linh hoạt tại từng thời điểm. Hạn mức cho vay tối đa 70% giá trị trái phiếu đặc biệt không phải là cố định, mà có thể rút xuống chỉ 50% tùy tình hình. Ông Tú cũng cho biết, mức độ Ngân hàng Nhà nước cho vay ở kênh này không đến mức cỡ 100.000 tỷ đồng mà một số chuyên gia đề cập đến.