Hơn 274.755 hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa
Sau đợt sơ kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Nghệ An , những bất hợp lý trong thực tiễn triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã kịp thời được khắc phục: Hộ cận nghèo đã được tăng mức hỗ trợ lên 90% (so với 80% trước đó); Thủ tục công bố dịch bệnh đơn giản hơn; Ngân sách hỗ trợ phí bảo hiểm thuận lợi; Công tác tuyên truyền từ trung ương tới địa phương được đẩy mạnh… Việc triển khai thí điểm BHNN đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo số liệu từ Bảo Việt và Bảo Minh, tính đến ngày 30/9/2013, đã có 333.458 hộ tham gia thí điểm BNNN trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản, trong đó có 258.143 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo và các hộ khác, tổng giá trị được bảo hiểm hơn 5.939 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là hơn 340 tỷ đồng.
|
Bảo hiểm thủy sản có gần 15.985 hộ nông dân tham gia. Ảnh: T.L
|
Cụ thể đối với bảo hiểm cây lúa (thí điểm tại Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang) đã có 274.755 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích lúa bảo hiểm là 60.742 ha, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 88 tỷ đồng, phát sinh bồi thường hơn 9,1 tỷ đồng.
Thiệt hại nhanh chóng được bồi thường
Tính đến thời điểm hiện nay, số tiền phát sinh bồi thường đối với bảo hiểm cây lúa là hơn 9,1 tỷ đồng, DN bảo hiểm đã chi trả bồi thường gần 9 tỷ đồng. Riêng đối với bảo hiểm vật nuôi, số tiền phát sinh bồi thường là gần 6,1 tỷ đồng, DN đã chi trả bồi thường hơn 5,4 tỷ đồng, còn hơn 700 triệu đồng bồi thường tại Nghệ An đang hoàn tất hồ sơ để giải quyết bồi thường sớm.
Riêng đối với bảo hiểm thủy sản, thiệt hại do diện tích nuôi trồng tôm tại các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh là rất lớn vượt xa doanh thu phí bảo hiểm gốc 197 tỷ đồng. Số tiền phát sinh bồi thường 668 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh đã chi trả bồi thường tính đến hết tháng 9/2013 là hơn 600 tỷ đồng và việc giải quyết bồi thường tới nay gần như hoàn tất.
Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, sản phẩm bảo hiểm tôm còn có nhiều điểm bất cập, đặc biệt là khi tôm đã có giá trị thương phẩm nhưng vẫn được bồi thường ở mức tỷ lệ cao. Do đó, thời gian tới cần điều chỉnh sản phẩm để tránh bồi thường lớn hơn tổn thất thực tế cũng như nguy cơ trục lợi bảo hiểm.
Kỳ vọng triển khai đại trà...
Mới đây, tại buổi tọa đàm về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đều cho rằng, việc triển khai chương trình thí điểm BHNN tại 20 tỉnh, thành phố là rất đúng lúc, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro trong sản xuất nông nghiệp như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh đang ngày một gia tăng.
UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tổng kết, đánh giá để ban hành chính sách ổn định, lâu dài và nhân rộng các địa phương toàn vùng triển khai thực hiện.
Chương trình triển khai thí điểm sẽ kết thúc vào cuối năm 2013 (tức là chỉ còn gần một tháng rưỡi nữa), sau đó sẽ được các Bộ, DN liên quan tổng kết báo cáo Chính phủ những kết quả đạt được; Những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Dự kiến đến tháng 6/2014, Chính phủ sẽ tổng kết thí điểm BHNN để đánh giá quá trình triển khai thí điểm BHNN.
Bộ Tài chính cũng đã khẳng định qua thực tiễn thí điểm kết quả tương đối tốt sẽ đề nghị đưa ra đại trà. Tuy nhiên, cần có những phản hồi thực tế, thảo luận thêm để việc triển khai được thuận lợi và mang lại lợi ích tích cực.