Vì sao phải dè chừng? Vì nếu “tưởng” lãi thực, ngân hàng lỡ dùng luôn phần lãi đó thì hổng về sau. Nhưng quan trọng hơn, có nhiều yếu tố đã góp phần nhào nặn nên lợi nhuận các ngân hàng hiện nay.
Nhìn nhau… đo lãi
Tối ngày 14/11, ban lãnh đạo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có cuộc tiếp xúc với báo chí. Câu chuyện xoay quanh vấn đề nhân sự và tình hình kinh doanh. Để nói về mình, ngân hàng đó gián tiếp nhìn sang ngân hàng bạn.
Tại đây, làn sóng cắt giảm nhân sự vừa diễn ra cao điểm trong tháng 10 vừa qua, nên không thể hiện ở báo cáo tài chính quý 3/2013. Tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank đặt vấn đề: tại sao nhiều ngân hàng khác cũng cắt giảm cả nghìn nhân viên, sao lại chỉ rộ lên ở ngân hàng ông?
Cái lý mà ông Dũng đưa ra là, tình hình kinh doanh bây giờ khó khăn, nhân sự thừa nhiều mà hiệu quả giảm sút, cắt giảm việc làm hoặc điều chuyển (chủ yếu đẩy ra bán hàng) là bình thường. Điều này có ở nhiều ngân hàng thương mại, là tình hình chung chứ không phải riêng ngân hàng mình.
Rồi về lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank trên mới chỉ đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận. Hội đồng Quản trị dự tính, quý còn lại nếu đẩy lên được 1.600 tỷ đồng, dù chỉ bằng một nửa chỉ tiêu kế hoạch đề đầu năm (3.200 tỷ đồng), “cũng đã là giỏi rồi”.
Sự hụt hơi rõ nét của lợi nhuận cũng được đặt trong bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, lãnh đạo Eximbank thừa nhận là họ cũng thầm phục một ngân hàng bạn - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau năm 2012 nhiều xáo trộn với cả ảnh hưởng tiêu cực, song Sacombank lại đang cho thấy một khả năng vững vàng trong nỗ lực tạo lãi.
Sacombank là một trong số rất ít ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá cao trong quý 3/2013; 700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2012. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.217 tỷ đồng. Đây là thành viên thứ hai (sau Ngân hàng Quân đội - MB) trong khối ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước không nắm tỷ lệ sở hữu chi phối giữ được sự ổn định trong hoạt động với đà lợi nhuận như vậy.
Dù là phục, song không hẳn là hoàn toàn khi ông Lê Hùng Dũng đưa ra so sánh: Sacombank có trên 400 chi nhánh và phòng giao dịch, trong khi Eximbank chỉ có hơn 200. Xét về dàn binh trên mặt trận thì rõ ràng Sacombank có nhiều thuận lợi hơn. Đáng chú ý là trong hai năm qua hầu hết các nhà băng đều rất khó mở rộng mạng lưới, do chính sách của Ngân hàng Nhà nước, để có thể thu hẹp khoảng cách cạnh tranh này.
Và không chỉ Eximbank, hẳn nhiều ngân hàng khác cũng thầm tự an ủi về kết quả lợi nhuận khi nhìn sang những điển hình khó khăn. Như tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), từng là đầu tàu lợi nhuận với tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong hệ thống những năm trước, quý 3 năm nay chỉ được vỏn vẹn 73 tỷ đồng. “Ông lớn” một thời mà còn vậy, huống chi…
Những yếu tố ảo…
Ở tình hình chung, tại nhiều ngân hàng, lợi nhuận giảm đi và nợ xấu tăng lên. Ngoài trường hợp của Techcombank, có nhiều trường hợp lợi nhuận mấp mé dương, khi chỉ chớm hơn chục tỷ đồng trong quý 3/2013, như tại PG Bank, Navibank…
Những mức lợi nhuận đó trở nên rất mong manh, khi xét đến những yếu tố có ảnh hưởng lớn trong cơ cấu.
Trước hết, từ tháng 4/2013, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Cơ chế này ảnh hưởng rất lớn tới thực trạng nợ, và câu chuyện ở đây là lợi nhuận.
Theo thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình trình bày trước Quốc hội ngày 1/11 vừa qua, từ đó đến nay đã có khoảng 300.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu. Theo đó, có khoảng 180.000 tỷ đồng đáng lẽ là nợ xấu nhưng đã không được gọi đúng tên.
Theo cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng (Quyết định 493), nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 là nợ xấu, tương ứng các tỷ lệ trích lập dự phòng 20%, 50% và 100%. Không rõ tỷ trọng các loại nợ xấu trong khoảng 180.000 tỷ đồng trên như thế nào, nhưng một phần chi phí rất lớn liên quan đã không được hạch toán đúng bản chất. Với cơ chế của Quyết định 780, có thể dự tính phần lớn các khoản nợ đó nếu phần loại một cách rõ ràng sẽ thuộc nhóm 3, ứng với yêu cầu trích lập dự phòng 20%, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo. Nếu làm đúng như vậy, các ngân hàng sẽ phải tính thêm khoảng 36.000 tỷ đồng chi phí, và lợi nhuận chắc chắn sẽ bị cắt bỏ một phần lớn.
Nói cách khác, nếu loại bỏ yếu tố Quyết định 780, tính nợ và chi phí trích lập dự phòng sòng phẳng, lợi nhuận nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ còn thấp nữa, thậm chí có thể lỗ. Đến 1/6/2014, khi Quyết định 780 hết hiệu lực, tình hình nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng mới có thể trở về đúng nguyên trạng.
Chưa hết, từ tháng 10/2013, khi VAMC chính thức mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ lại có thêm yếu tố “ảo”.
Theo cơ chế, ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, khoản nợ đó được đưa ra ngoại bảng và thực hiện trích lập dự phòng trong 5 năm, mỗi năm 20%. Điều này giúp lợi nhuận các ngân hàng bớt sự níu kéo; thay vì phải dùng một lượng chi phí lớn trích lập ngay và lợi nhuận giảm đi, thì nó lại được giãn ra trong 5 năm.
Với những yếu tố ảo đó, cổ đông và nhà đầu tư hẳn sẽ phải dè chừng trước những con số lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm và cả năm nay. Về tổng thể, nó có thể tạo nên một bức tranh về hoạt động của các ngân hàng nói chung đẹp đẽ hơn, trong khi bảng cân đối và các chỉ số tài chính đã bị méo mó nhất định.