Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
Một số doanh nghiệp trong ngành lập tức bày tỏ quan ngại về việc phải chứng minh đầu vào, đầu ra của vàng - điểm mà nếu thực hiện sẽ là rào cản đáng kể đối với vàng nhập lậu.
Đời sống vàng nhập lậu
Việt Nam là thị trường có nhu cầu vàng cao thuộc nhóm đầu trên thế giới. Do giá trong nước nhiều thời điểm trong nhiều năm liền cao hơn giá thế giới. Từ năm 2012 trở về trước, tình trạng nhập lậu vàng nhức nhối. Nguồn vàng lậu có thể len lỏi vào cả ngạch vàng miếng lẫn nữ trang.
Từ năm 2012, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng ra đời, cùng với đó là Nghị định 95 về cơ chế xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, nhập lậu vàng đã giảm thiểu.
Với Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Đây là quy định quan trọng, tác động mạnh nhất đến vàng nhập lậu trong hơn một năm trở lại đây.
Với cơ chế độc quyền, việc sản xuất vàng miếng không còn mở rộng và khá tự do như trước. Chỉ duy nhất Ngân hàng Nhà nước được sản xuất vàng miếng, với thương hiệu SJC và qua Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công. Sau thời điểm Nghị định 24 có hiệu lực, các hoạt động sản xuất vàng miếng khác là vi phạm pháp luật, trong khi tại SJC không những Ngân hàng Nhà nước mà còn cả cơ quan an ninh giám sát việc sản xuất.
Có thể nói, việc sản xuất vàng miếng, duy nhất vàng miếng SJC, hiện nay giống như quy trình chặt chẽ như in tiền. Theo đó, vàng nhập lậu không thể lách được và ngạch vàng miếng như trước.
Với Nghị định 95, chế tài quan trọng của nó là ngoài xử phạt hành chính còn có điều khoản tịch thu tang vật. Quy định này có sức nặng răn đe và hạn chế nhất định tình trạng vàng lậu nói chung trong hơn một năm trở lại đây.
Còn lại, nữ trang vẫn là ngạch vàng lậu thẩm thấu thời gian qua. Mức chênh lệch giá vàng nữ trang trong nước so với giá thế giới quy đổi thường có từ 1 - 1,5 triệu đồng/lượng là một sự kích thích đáng kể. Còn sự suy giảm của vàng nhập lậu kênh này thời gian qua - nếu có, ngoài sự giám sát của các cơ quan quản lý, một yếu tố quan trọng là lực cầu trong nước đã giảm bớt trước đà giảm mạnh kéo dài trong suốt năm qua.
Cơ chế mới, siết đầu ra là chính
Như trên, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22, được cho là có sức nặng ảnh hưởng đối với thị trường vàng nữ trang. Một só ý kiến còn đề cập đến cả khả năng ngắn chặn vàng nhập lậu.
Ngày 22/11, Hội Mỹ nghệ Tp.HCM tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện thông tư nói trên. Đại diện một số doanh nghiệp nêu quan ngại rằng, việc chứng minh nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm sẽ khiến họ khó khăn.
Dù không đề cập cụ thể tại hội nghị trên, nhưng nếu quy định các doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của vàng nguyên liệu đầu vào, đây sẽ là một chốt chặn quan trọng đối với vàng nhập lậu.
Tuy nhiên, rà soát kỹ nội dung Thông tư 22 không có quy định nào đề cập đến điều này, ngoại trừ vàng nguyên liệu doanh nghiệp nhập khẩu phải ghi rõ xuất xứ, “tên tuổi” cụ thể - điều đương nhiên chỉ cần theo riêng quy định các thủ tục hải quan hiện hành.
Trong khi đó, đầu vào chủ yếu của các doanh nghiệp hiện nay là vàng nữ trang trong nước, một phần lớn là trôi nổi và không rõ xuất xứ. Thậm chí khi mua lại của người dân, để kiểm tra, nhiều cửa hàng (đặc biệt là các địa bàn nông thôn) vẫn chỉ có thể nhận biết qua… thử bằng dây mai xo đốt nóng.
Vì sao Thông tư 22 không quy định về chứng minh xuất xứ, nguồn gốc như một số doanh nghiệp quan ngại tại hội nghị trên, qua đó tạo rào cản đối với vàng nhập lậu?
Một chuyên gia về vàng trả lời đơn giản rằng, vàng trong dân cư tồn tại hàng trăm năm qua, truyền từ đời này sang đời khác, mua đi bán lại thì không thể bắt người dân chứng minh xuất xứ, nguồn gốc khi bán cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng không thể chứng minh được khi mua lại nguồn này.
Không có quy định để “bịt” vàng nhập lậu thẩm thấu như quan ngại trên của doanh nghiệp, song Thông tư 22 lại là một công cụ quan trọng để đưa vàng nữ trang từng bước vào khuôn khổ.
Điểm quan trọng nhất của chính sách mới trên là tạo một khung chuẩn hóa chất lượng vàng nữ trang, gắn với trách nhiệm và minh bạch thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất khi đưa ra thị trường. Đây là cơ chế đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng mù mờ và tiềm ẩn rủi ro trong giao dịch như thời gian qua. Thậm chí ngay cả với vàng miếng phi SJC trước đây, khi đưa vào kiểm định để chuyển đổi thành vàng miếng SJC, vẫn có một số lượng nhất định không đạt tiêu chuẩn vàng 9999.
Theo cách nói của một số người trong cuộc, với Thông tư 22, vàng nữ trang sẽ từng bước được cấp “chứng minh thư”, có “dấu vân tay” cho từng sản phẩm doanh nghiệp bán ra để gắn kết trách nhiệm và là cơ sở để xử lý trách nhiệm, hay là một cơ chế cần thiết để siết chặt chất lượng đầu ra.