Thực tế đáng lo ngại
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Thương mại biên giới, hiện nay có 9 ngân hàng tham gia thanh toán thương mại biên giới tại các địa bàn khu vực biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tính riêng khu vực này, kim ngạch thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai nước.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về thương mại biên giới, bên cạnh hình thức thanh toán qua ngân hàng chính thống, thực tế khảo sát cho thấy hình thức thanh toán không qua ngân hàng, mà qua các bàn đổi tiền cá nhân cũng rất phát triển và chiếm tỷ trọng không nhỏ, đặc biệt là tuyến biên giới giáp với Lào và Campuchia.
|
Việc thu đổi ngoại tệ, thanh toán thương mại bằng tiền mặt, thậm chí cho vay như một "Ngân hàng di động" của cá nhân tại biên giới đang rất phát triển. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, trong quan hệ thanh toán thương mại biên giới với Lào, từ khi cơ chế thanh toán bằng đồng bản tệ được triển khai đến nay, doanh số thanh toán XNK bằng VND và LAK qua ngân hàng hai nước chiếm tỷ trọng rất thấp, dưới 1% tổng doanh số thanh toán. Tương tự, tỷ trọng thanh toán qua ngân hàng với Campuchia cũng rất khiêm tốn, không đáng kể. Việc thanh toán thương mại vẫn chủ yếu là đồng đô-la Mỹ.
Theo báo cáo của NHNN, hoạt động các bàn đổi tiền cá nhân ở khu vực biên giới hiện nay diễn biến phức tạp. Tại khu vực biên giới giáp Trung Quốc và Campuchia, nhiều bàn đổi ngoại tệ cá nhân có doanh số lớn tham gia thanh toán XNK biên giới, thậm chí cho vay như một “ngân hàng di động”. Việc thanh toán thông qua các cá nhân đổi tiền thực chất là hình thức thanh toán không được phép, vì các bàn đổi tiền cá nhân chỉ có chức năng đổi tiền và không có chức năng thanh toán.
Xuất phát từ lý do trên mà tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng của các giao dịch thương mại rất thấp, nhiều DN lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt qua tư nhân chuyển tiền thay vì thanh toán qua ngân hàng. Họ cho rằng việc thanh toán qua tư nhân chi phí thấp hơn và thủ tục, chứng từ nhanh ngọn, không chặt chẽ như ngân hàng.
Cần sự vào cuộc của các Bộ ngành
Theo ý kiến của nhiều đại biểu đến từ các tỉnh biên giới, sở dĩ các “ngân hàng di động” này xuất hiện công khai và ngày càng nở rộ là do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do thói quen thanh toán bằng tiền mặt giữa cư dân biên giới hai nước tồn tại từ lâu, điều này góp phần làm gia tăng tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại khu vực biên giới.
Thứ hai là tình hình giao thông, cơ sở hạ tầng ở các vùng biên giới còn hạn chế, nhu cầu thanh toán, chuyển đổi tiền tệ thấp nên chưa thu hút được dịch vụ ngân hàng phát triển, dẫn đến các NHTM hai bên biên giới chưa tích cực thiết lập quan hệ thanh toán với nhau.
Hiệp định thanh toán và hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được ký 26/5/1993, sửa đổi bổ sung 16/10/2003; Hiệp định thanh toán giữa NHNN với Ngân hàng Lào ký ngày 21/12/1998, sửa đổi bổ sung 12/12/2007; Hiệp định thanh toán giữa NHNN với Ngân hàng Campuchia ký 21/2/2005.
Các NHTM của Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn khi mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các cửa khẩu, do doanh thu không đảm bảo được chi phí. Có trường hợp NHTM đã mở chi nhánh tại khu vực cửa khẩu một thời gian rồi lại rút về, do hoạt động không hiệu quả. Do vậy mạng lưới ngân hàng tại khu vực biên giới còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương về thanh toán XNK qua biên giới bằng bản tệ qua ngân hàng chưa được chú trọng. Nhiều DN vẫn chưa nắm được chủ trương thanh toán bằng bản tệ qua ngân hàng và lợi ích của việc thanh toán này. Chính vì thế, tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng chưa phản ánh thực chất kim ngạch XNK thực tế giữa hai nước.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng Ban chỉ đạo Trung ương về thương mại biên giới, nhất là Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan cần phải vào cuộc một cách tích cực, chủ động, có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau để ngăn chặn tình trạng trên.
Về phía NHNN, cần khuyến khích hệ thống ngân hàng hai nước tích cực mở rộng, triển khai các quan hệ thanh toán, đại lý với NHTM nhằm tăng cường hoạt động thanh toán qua ngân hàng. Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, khuyến khích thương nhân, cư dân khu vực biên giới sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, từ đó thu hẹp phạm vi hoạt động của các bàn đổi tiền cá nhân./.