Ngày 19/12, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015”.
Một lần nữa tăng trưởng tín dụng thấp là một chủ đề thu hút tham luận và bình luận của các chuyên gia, trong đó có những khía cạnh đáng chú ý.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 12/12/2013, tăng trưởng tín dụng ở mức 8,83%. Cơ quan này dự tính, với “quy luật” tăng mạnh trong tháng 12 như thường thấy những năm gần đây, nhiều khả năng con số chung cuộc sẽ đạt khoảng 10%.
Tại hội thảo trên, chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh tính toán, xét về mặt kỹ thuật và chính đáng, tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn có thể đạt mục tiêu 12% so với cuối năm 2012.
Chuyên gia này tính toán, tổng dư nợ của toàn nền kinh tế hiện ở mức khoảng 3,3 triệu tỷ đồng. Con số này về kỹ thuật cần được cộng thêm khoảng 28 - 30 nghìn tỷ nợ xấu các tổ chức tín dụng đã bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); cộng thêm phần nợ xấu đã được tự xử bằng nguồn trích lập dự phòng và đưa ra ngoại bảng trong năm 2013 (ước khoảng 35 - 40 nghìn tỷ đồng - PV); cộng thêm cả phần trái phiếu doanh nghiệp mà bản chất là tín dụng…, thì tổng dư nợ cuối 2013 thực tế sẽ lớn hơn, có thể có mức tăng trưởng “đẹp” hơn so với cuối năm 2012.
Tuy nhiên, cũng tham gia bình luận về những ý kiến của ông Trịnh Quang Anh, tại hội thảo trên, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), lại đưa ra một góc nhìn thận trọng hơn.
Ông Nghĩa nghi ngờ và cảnh báo về con số và cách tính tăng trưởng tín dụng hiện nay, do thực tế các ngân hàng có những “bài” riêng cần lưu ý.
“Tôi nghi ngờ về cách tín tăng trưởng tín dụng hiện nay. Dư nợ tăng lên không hẳn là tín dụng mới”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề, vì ông cho có hai yếu tố có tác động lớn.
Thứ nhất, trong tổng dư nợ hiện nay, hay phần tín dụng tăng lên không hẳn là vốn cho vay doanh nghiệp, mà là phần nợ lãi gộp vào. Chuyên gia này nêu ví dụ: một doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng, tiền lãi 10 tỷ đồng, đến hạn không trả nợ được cũng không trả được lãi, ngân hàng gộp lại cả dư nợ và lãi thành khoản vay mới 110 tỷ đồng, tức dư nợ “tăng trưởng” thêm 10%. Đó là một con số tăng trưởng ảo.
Thứ hai, đáng chú ý hơn là TS. Lê Xuân Nghĩa nêu lên một thực trạng dồn vào cuối năm, ngân hàng biến tấu dư nợ bằng nguồn vốn tồn đọng.
Cụ thể, ông Nghĩa cho biết cứ cuối năm là nhiều ngân hàng lại có “bài” dùng vốn tồn đọng của mình (do không cho vay ra được) đưa cho công ty con, công ty này đem gửi ở một ngân hàng khác và đóng băng tài khoản này, dùng làm thế chấp để tạo một khoản vay mới ở ngân hàng đó.
“Cái này cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng. Cho nên cứ đến tháng 12 hàng năm tăng trưởng tín dụng lại đột ngột tăng lên 2- 3%”, ông Nghĩa lý giải cho một hiện tượng thường thấy những năm gần đây.
Với hai yếu tố tác động trên, chuyên gia nhiều kinh nghiệm này bi quan khi nói rằng: “Cứ cho tăng trưởng tín dụng là 8%, thì lạm phát đã xơi mất 6% rồi, coi như tín dụng không tăng, xét theo những yếu tố trên”. Hay, nguồn vốn cho vay thêm cũng chỉ đủ để bù đắp chi phí giá thành đầu vào tăng lên trong sản xuất, kinh doanh.
“Bài” mà nhiều ngân hàng sử dụng như TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra cũng hé mở cho một thực tế “kỹ thuật” thường được sử dụng để mở rộng dư nợ vào cuối năm, tạo mẫu số lớn để nắm được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao vào đầu năm tới tốt hơn.
Thực tế trên cũng lý giải cho diễn biến những năm gần đây, ngay khi bước vào năm mới, quý đầu tiên tín dụng thường xẹp xuống nhanh chóng và tăng trưởng âm và thường phải đến đầu quý 2 mới bắt đầu dương trở lại./.