Hơn 363.761 hộ tham gia thí điểm BHNN
Sau 3 năm triển khai (2011 - 2013), chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) kết thúc và đã góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cũng như nâng cao nhận thức về BHNN của nông dân, các cấp, các ngành và các cơ quan liên quan.
|
Chương trình BHNN đã góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Ảnh: T.L
|
Theo số liệu từ công ty bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh, tính đến ngày 31/12/2013, chương trình thí điểm BHNN đã thu hút được hơn 363.776 hộ nông dân tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 7.518 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là hơn 390 tỷ đồng.
Trong đó, bảo hiểm cây lúa (thí điểm tại Bình Thuận, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang, Đồng Tháp) có 281.346 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích lúa bảo hiểm là 62.293 ha, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 90 tỷ đồng, phát sinh bồi thường gần 11,5 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm vật nuôi đã có hơn 65.430 hộ nông dân tham gia với hơn 1.181.900 con vật nuôi được bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 83 tỷ đồng, phát sinh bồi thường hơn 9,8 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2013, việc triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản tại Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã có gần 17.000 hộ tham gia, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 217 tỷ đồng. Theo đại diện bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, tính đến thời điểm hiện nay, số tiền phát sinh bồi thường đối với bảo hiểm thủy sản là hơn 667 tỷ đồng, vượt xa doanh thu phí bảo hiểm gốc. Hiện doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường hơn 640 tỷ đồng và đang hoàn tất hồ sơ để bồi thường số tiền thiệt hại thủy sản còn lại cho người nông dân.
Đối với bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm lúa việc bồi thường gần như đã hoàn tất.
Dừng thí điểm, nông dân khó phục hồi sản xuất sau thiên tai
Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 cho phép thực hiện thí điểm BHNN tại 21 địa phương, trong đó, thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau chính là “giá đỡ” cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, trong thời gian triển khai thí điểm, những chính sách BHNN còn chưa hoàn chỉnh và chưa sát với thực tế đã được Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT sửa đổi cho phù hợp với thực tế địa phương và kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bồi thường đúng theo giá trị hợp đồng và thời gian hợp đồng đã ký với các hộ dân.
Đến nay, chương trình thí điểm kết thúc, các tỉnh, thành được chọn làm thí điểm đều khẳng định, việc triển khai BHNN là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp những thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Theo các chuyên gia ngành bảo hiểm, nếu dừng chương trình thí điểm người nông dân không may bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sẽ không được bảo hiểm, khó phục hồi sản xuất nhanh chóng và khó có thể tiếp cận nguồn vay tín dụng từ các tổ chức tài chính và ngân hàng.
Hiện phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục cho triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Chương trinh thí điểm kết thúc vào cuối năm 2013, các Bộ, ngành liên quan đang tổng kết để báo cáo Chính phủ những kết quả đã đạt được, cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Dự kiến tháng 6/2014, Chính phủ sẽ tổng kết thí điểm BHNN để đánh giá toàn bộ quá trình triển khai chương trình./.