Đến năm 2013 vẫn còn 8 ngân hàng thương mại nặng nợ với vốn vàng. Đến nay, mới chỉ một số thành viên niêm yết công bố báo cáo tài chính. Những khoản lỗ lớn liên quan đang hiện ra, gợi lại một thời kỳ căng thẳng và phức tạp.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chính thức báo lỗ quý 4/2013. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ tới 229,66 tỷ đồng, có thể gắn với rủi ro trong quá trình tất toán trạng thái vàng.
Trong khi đó, sau năm 2012 với khoản lỗ lớn tới trên 1.800 tỷ đồng trong kinh doanh ngoại hối, hoạt động này tại Ngân hàng Á châu (ACB) quý 4/2013 đã bớt níu kéo khi chỉ lỗ 34 tỷ đồng, lũy kế cả năm chỉ còn lỗ 77,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng tài sản ACB tiếp tục giảm đáng kể trong năm qua (giảm hơn 9.000 tỷ đồng) vẫn có một nguyên do chính là vốn vàng bị đưa ngoại bảng.
Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), là một trong số ít nhà băng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2013 nhưng hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận lỗ hơn 203 tỷ đồng lũy kế cả năm.
Đó là 3 trong 8 ngân hàng thương mại chịu ảnh hưởng từ vốn vàng trong năm qua. Những thành viên còn lại hiện chưa công bố báo cáo tài chính để tạo góc nhìn đầy đủ hơn, đặc biệt tại Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) và Ngân hàng Việt Á (VietABank) - hai trường hợp gặp nhiều khó khăn khi tất toán trạng thái vàng hồi tháng 6/2013.
Tựu chung, rủi ro vốn vàng từng gây những khoản lỗ nặng nề ở một số thành viên trong năm 2012, tiếp tục đeo bám trong năm 2013. Tại sao? Câu hỏi này đến nay hẳn vẫn có trong nhìn nhận của công chúng và cổ đông.
Vốn vàng từng được huy động ngắn hạn, theo tháng hoặc dài thì 1 năm, trong khi một số trường hợp lại dùng cho vay kỳ hạn quá dài, tới 5 năm, thậm chí 10 - 15 năm! Khi chính sách thay đổi, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngừng huy động, khoảng trống rủi ro kỳ hạn vỡ ra trong cân đối vốn.
Thời gian qua, có những góc nhìn khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là rủi ro từ chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với vốn vàng. Cũng có thể lý giải nguyên nhân khách quan từ thị trường, nhất là trong năm 2013 với mức giảm khoảng 28% của giá vàng. Nhưng, từ chính các ngân hàng cũng là nguyên nhân, mà họ phải “ngậm vàng làm ngọt”.
Trước hết, rủi ro lớn mà các ngân hàng gặp phải là khoảng trống kỳ hạn trong cơ cấu vốn vàng. Vốn vàng từng được huy động ngắn hạn, theo tháng hoặc dài thì 1 năm, trong khi một số trường hợp lại dùng cho vay kỳ hạn quá dài, tới 5 năm, thậm chí 10 - 15 năm! Khi chính sách thay đổi, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngừng huy động, khoảng trống rủi ro kỳ hạn vỡ ra trong cân đối vốn. Ở đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã từng trả giá nhiều cho vấn đề thanh khoản khi lạm dụng vốn ngắn hạn nói chung cho vay trung dài hạn; vốn vàng là một điển hình.
Thứ nữa, vì lệ thuộc lớn vào vốn vàng trong hoạt động, "đoàn tàu" bị hãm phanh khi đang có tốc độ cao, yêu cầu tất toán trạng thái vàng cùng rủi ro giá và nguồn vốn đã chuyển đổi trước đó, đã cho vay trước đó, tạo nên những cú sốc thua lỗ.
Có thể xem đó là những rủi ro từ chính sách. Song, nhìn lại, quá trình ngừng huy động và cho vay vàng, yêu cầu tất toán trạng thái đã được Ngân hàng Nhà nước ấn định từng lộ trình, thậm chí nhiều lần nhân nhượng và trì hoãn để tránh xáo trộn bất lợi cho cả hệ thống.
Tín hiệu hãm phanh của Ngân hàng Nhà nước rõ nhất đã có từ tháng 10/2010, với Thông tư số 22 về quản lý huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Đến tháng 4/2011, cơ quan này tiếp tục có Thông tư số 11 về chấm dứt huy động và cho vay vàng. Sự nhân nhượng của chính sách có trong năm 2012 và tiếp tục cho đến tháng 6/2013.
Như vậy, đã có một khoảng thời gian khá dài với những yêu cầu và tín hiệu rõ ràng để các ngân hàng thương mại chủ động ứng xử với vốn vàng. Thế nhưng, thay vì giảm dần tốc độ của "đoàn tàu", một số ngân hàng lại tăng tốc như tranh thủ “làm ván cuối”.
Đơn cử như, tại ACB, đến cuối 2010, thời điểm chính sách cho tín hiệu bắt đầu siết lại, tổng vốn vàng ở khoảng 30,2 tấn, thì đến quý 1/2011 đã dâng lên khoảng 33,9 tấn và đến quý 3/2011 lên tới khoảng 42,4 tấn…
Đặc biệt, trong quý 4/2011, khi Ngân hàng Nhà nước mở cơ chế bằng Thông tư 32, cho phép nhóm G5+1 (bao gồm ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongABank và SJC) được huy động và chuyển đổi vốn vàng, bán ra bình ổn thị trường, quy mô vốn vàng đã được đẩy lên đột biến so với trước đó.
Như tại Eximbank, ước tính vốn vàng từ khoảng 9,1 tấn quý 3/2011 đã vọt lên khoảng 17,4 tấn trong quý 4/2011 - quý cao điểm hoạt động của nhóm G5+1; tại ACB tương tự là khoảng từ 42,4 tấn lên 49,4 tấn; riêng Sacombank khá ổn định và thận trọng dao động quanh khoảng 14,2 tấn…
Cũng chính câu chuyện G5+1 và cơ chế cho phép chuyển đổi và bán ra bình ổn nói trên là một cấu phần rủi ro vốn vàng sau này ở các ngân hàng. Khả năng lỗ dễ nhận diện nhất là mức giá bán ra bình ổn ở khoảng 41 - 43 triệu đồng/lượng, nhưng sau này phải mua từ 44 - 46 triệu đồng/lượng để tất toán.
Trong cơ chế, các ngân hàng được dùng tài khoản vàng ở nước ngoài để cân đối trạng thái, phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, việc bảo hiểm giá không trọn vẹn. Như hồi tháng 8/2012, khi ACB gặp sự cố pháp lý, rủi ro vốn vàng bộc lộ, họ muốn Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng từ tài khoản nước ngoài về để cân đối, hạn chế rủi ro… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên quan điểm độc quyền nhập khẩu, cũng như định hướng trong quản lý ngoại hối để quản lý và bình ổn thị trường cho đến hiện nay.
Trong câu chuyện trên, cũng khó đổ lỗi cho chính sách, hay vẫn là tình thế “ngậm vàng làm ngọt”. Bởi lẽ, cuối năm 2011 cũng như trong một thời gian dài trước đó, các ngân hàng đã có một nguồn vốn chuyển đổi từ vàng để kinh doanh; lãi suất cho vay tại nhiều thời điểm trước đây là hấp dẫn…
Chuyện vốn vàng rồi cũng qua. Vốn vàng và những rủi ro liên quan đã được bóc xong. Đến cuối năm 2013, phần còn lại là khoảng 5 tấn vàng dưới dạng dư nợ trong hệ thống. Và nay, khi báo cáo tài chính các ngân hàng đang lần lượt công bố, những khoản thua lỗ liên quan là dư vị không “ngọt” cuối cùng./.