Các nghiệp vụ thua lỗ kéo dài phải kể đến là bảo hiểm tàu biển, bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm xe cơ giới…
Doanh thu cao vẫn lỗ
Theo số liệu của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2013 tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 24.426 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ có doanh thu cao nhất đạt 6.854 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Tiếp đó là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đạt 5.326 tỷ đồng, chiếm 22%; bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt 5.087 tỷ đồng, chiếm 21%; Bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm thân tàu cùng đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng, chiếm 7%...
Mặc dù có tỷ lệ doanh thu cao nhưng đây cũng là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường lớn. Báo cáo từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2013 của các DN bảo hiểm phi nhân thọ là 10.719 tỷ đồng, chiếm tới 44%, cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2012 (39%).
 |
Bảo hiểm tàu biển là một trong số những nghiệp vụ thua lỗ kéo dài nhiều năm. Ảnh: T.L
|
Nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sư chủ tàu có tỷ lệ bồi thường cao lên đến 103%. Tiếp đến là bảo hiểm cháy nổ tỷ lệ bồi thường là 51%, bảo hiểm xe cơ giới là 47%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người là 43%...
Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh còn xảy ra cả đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, cụ thể là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi một số DN bảo hiểm để xảy ra tình trạng đại lý bán bảo hiểm không đúng quy tắc điều khoản và biểu phí do Bộ Tài chính quy định.
11/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường (44%). Điều này cho thấy, sự tăng trưởng nhưng chưa bền vững, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của chính DN bảo hiểm.
Tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2014 diễn ra cuối tuần qua, đại diện nhiều DN bảo hiểm cho biết, năm 2014 sẽ cơ cấu lại sản phẩm bảo hiểm theo hướng giảm quy mô các sản phẩm bị lỗ hoặc không có lãi, tăng cường phát triển các sản phẩm bảo hiểm phi tài sản và các sản phẩm mà phân khúc thị trường ít cạnh tranh để giảm tình trạng thua lỗ nghiệp vụ. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các cán bộ chi nhánh hạ phí bảo hiểm không đúng quy định.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, tình trạng thua lỗ của các DN bảo hiểm một phần do yếu tố khách quan là kinh tế khó khăn nên nhu cầu về bảo hiểm giảm, nợ phí bảo hiểm tăng. Bên cạnh đó, mưa bão, lụt lội, hỏa hoạn nhiều dẫn đến chi bồi thường bảo hiểm tăng.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do DN bảo hiểm đua nhau giảm phí bất chấp rủi ro, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh, kiểm soát rủi ro kém dẫn đến trục lợi gia tăng ..., dẫn đến tình trạng thua lỗ nghiệp vụ kéo dài.
Sẽ điều chỉnh lại quy tắc, biểu phí
Nhiều giải pháp để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của thị trường, tránh thua lỗ về nghiệp vụ kéo dài đã được cơ quan quản lý đưa ra trong đó có việc xây dựng và phê chuẩn lại quy tắc, biểu phí đối với những nghiệp vụ này.
Hiện phía Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam rà soát quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm các nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô, bảo hiểm thân tàu biển để yêu cầu các DNBH điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ và an toàn tài chính.
Đặc biệt, đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe sẽ xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm mẫu đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe để DN áp dụng để giảm tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản tránh thua lỗ nghiệp vụ.
“Để giảm thua lỗ nghiệp vụ, các DN bảo hiểm cần hợp tác và chia sẻ thông tin để hạn chế việc nhận bảo hiểm những dịch vụ xấu, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi trục lợi bảo hiểm”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu phí dự kiến năm 2014 là 8% đạt 26.380 tỷ đồng, cơ quan quản lý Nhà nước, DN bảo hiểm và Hiệp hội bảo hiểm đang phối hợp chặt chẽ và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ duy trì sự tăng tưởng và phát triển ổn định./.