Chiều 25/3, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức buổi họp báo “Tổ chức phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp”. Tại đây, hai bên đã chính thức công bố tung ra gói tín dụng lên tới 50.000 tỷ đồng trong chuỗi sản phẩm liên kết 4 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu và ngân hàng.
Chuỗi sản phẩm trên đã nhiều lần được Ngân hàng Nhà nước đề cập đến ở kế hoạch nghiên cứu và thiết lập. Tuy nhiên, trước thông tin về gói tín dụng liên quan trị giá tới 100.000 tỷ đồng để “giải cứu” thị trường bất động sản xuất hiện trong tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng phủ nhận chủ trương, cũng như vai trò tổ chức.
Theo giới thiệu tại buổi họp báo, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng trên có sự cam kết tham gia của VNCB cùng các ông lớn quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Đáng chú ý là, theo thông tin tại buổi họp báo, hiện cũng đã có một loạt ngân hàng khác đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước với quy mô 70.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn của mình, tham gia chuỗi sản phẩm liên kết 4 nhà này.
Như vậy, sơ bộ bước đầu, tổng quy mô gói tín dụng “giải cứu” cho bất động sản theo mô hình liên kết trên có thể lên tới 120.000 tỷ đồng. Gói này hoàn toàn độc lập và khác về bản chất so với gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã triển khai thời gian qua.
Cụ thể, gói tín dụng của các ngân hàng thương mại được cho vay theo cơ chế thông thường, gắn với cơ chế liên kết 4 nhà và đặc biệt là cơ chế giám sát chặt chẽ dòng tiền của ngân hàng thương mại. Việc giám sát dòng tiền nhằm đảm bảo vốn đến đúng nhu cầu và địa chỉ, nguồn tiền chi trả kịp thời cho các nhà thầu và nhà sản xuất - cung cấp nguyên vật liệu, cũng như đảm bảo nguồn thu của dự án cho khả năng thu hồi nợ của ngân hàng, thúc đẩy tiến độ các dự án.
Tại cuộc họp báo trên, vai trò của Ngân hàng Nhà nước cũng xuất hiện với sự tham gia của ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng. Ông Mạnh cho rằng, chuỗi sản phẩm liên kết này sẽ góp phần củng cố lại niềm tin trên thị trường bất động sản - vốn đang rất yếu kém. Thời gian qua, có tình trạng người mua nhà lo ngại về tiến độ dự án mà không dám đóng tiền hoặc đóng tiếp, chủ đầu tư thiếu nguồn để chi trả cho nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng, các bên mất niềm tin lẫn nhau khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng…
Nay, với gói tín dụng trên, các bên sẽ kết hợp chặt chẽ hơn, giám sát dòng tiền chặt chẽ hơn để điều hòa lại mối quan hệ giữa các bên. Qua cơ chế này, các ngân hàng có thể xem xét cho vay mới các dự án cũ, cho vay mới các chủ đầu tư đã có nợ cũ để có thể khơi thông các điểm nghẽn trên thị trường.
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho rằng, gói tín dụng liên kết trên sẽ tối ưu hóa và tạo hiệu quả cho các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Mạnh cũng tin tưởng: “Chúng tôi tin rằng đây là sản phẩm tín dụng mang tính đặc thù được thực hiện thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng, tạo niềm tin chắc chắn cho thị trường. Đây là sản phẩm để giúp giải phóng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là sản phẩm ưu việt”.